“Ngõ nhỏ phố nhỏ” tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột con ngõ siêu nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: H.Y |
“Hỏa hoạn” đang là từ khóa “hot” nhất nhưng cũng là từ khóa ám ảnh nhất đối với người dân cũng như các cơ quan chức năng. Thật vậy, hơn một năm qua, Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ để lại nhiều hậu quả về người và tài sản.
Còn nhớ vào tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Đình (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Vụ việc đó vẫn còn ám ảnh thì đến ngày 24/5 vừa qua, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khiến 14 người chết, 6 người bị thương. Bên cạnh đó là hàng chục vụ cháy khác không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn thương vong về người.
Điểm chung của các vụ cháy này đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận. Từ quận nội thành cho đến các quận vùng ven ở Hà Nội, không khó để tìm thấy những con ngõ, ngách sâu hun hút, chật hẹp…. nhiều ngõ bé đến mức chỉ vừa một chiếc xe máy, hai người đi bộ cũng phải... nghiêng mình nhường nhau.
Những con ngõ “không thấy ánh mặt trời”. Ảnh chụp trên phố Trần Nhân Tông |
Thế nhưng, hàng nghìn con người vẫn cứ chen chúc nhau trong hàng nghìn con ngõ như thế trên khắp địa bàn Hà Nội. Chỉ đến khi xảy ra hỏa hoạn tại những con ngõ “mê cung” này thì người ta mới giật mình vì nơi mà họ đang sống và sinh hoạt tiềm ẩn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt khi có hỏa hoạn.
Có một thực tế là những ngõ nhỏ hẹp, sâu hun hút ở khắp Hà Nội là một thách thức thật sự đối với công tác chữa cháy. Ngoài việc xe cứu hỏa không thể tiếp cận, việc kéo đường ống dẫn nước chữa cháy cũng không dễ dàng nếu ngõ, ngách quá sâu.
“Mạng nhện” trong một con ngõ trên phố Thái Hà, quận Đống Đa |
Ngoài các lối đi nhỏ hẹp thì trong các ngõ nhỏ này tồn tại một thực tế nữa đó là đủ các loại dây điện, cáp internet… giăng như mạng nhện luồn lách theo các con ngõ này. Cùng với đó là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau tạo ra không gian bí bách, thiếu sáng, trong khi khu vực ban công thường bị bịt kín bởi “chuồng cọp”.
“Chuồng cọp” trong một con ngõ nhỏ |
Theo thống kê của cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm thì trên địa bàn quận có hơn 1.000 ngõ, ngách nhỏ và siêu nhỏ, chỉ vừa đủ một người đi. Thậm chí có nhiều con ngõ dù 12h trưa người dân vẫn phải bật bóng đèn điện vì ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến. Không chỉ Hoàn Kiếm mà trên địa bàn các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy… cũng đầy rẫy các con ngõ như thế.
Một hộp cứu hỏa hỏng hóc chưa được thay thế tại ngõ 99 ở Trung Kính |
Tuy nhiên, dẫu biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng với nhu cầu thuê trọ ngày càng cao nên nhiều hộ gia đình dù nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng vẫn bất chấp các cảnh báo đã tiến hành cải tạo, xây mới nhà trọ cao tầng. Khi xảy ra hỏa hoạn, các nạn nhân gần như không có đường thoát trong khi các lực lượng phòng cháy chữa cháy dù có phản ứng nhanh đến mấy thì cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận được.
Trong khi đó ý thức PCCC của người dân vẫn chưa cao |
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... dài hơn 200 m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Điều này là một trở ngại trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Trong Chỉ thị ban hành ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình cháy nổ đang phức tạp. Nguyên nhân một phần là ở một số nơi, chính quyền địa phương buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý nhà nước về xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hạ tầng giao thông, nguồn nước còn bất cập, thiếu quy hoạch đồng bộ. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC diễn ra phổ biến, nhất là tại các chung cư mini như: tự ý nâng tầng, cải tạo, chuyển đổi công năng, không trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Để ngăn chặn cháy nổ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC với chung cư mini, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn PCCC với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP có trách nhiệm yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết, có lộ trình thực hiện giải pháp PCCC. Sau ngày 30/3/2025, cơ sở, gia đình nào không thực hiện sẽ bị dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. |
Không có giải pháp PCCC, nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ không được hoạt động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại