Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách du lịch đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm tăng gần 3 lần so với năm trước |
Kinh doanh du lịch đang “ấm lên” theo đà phục hồi
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ngày 1/8 cho biết, tính chung 7 tháng của năm 2022, nước ta đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng. 6 tháng đầu năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: Dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 DN, tăng 23,4%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 DN, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, số lao động đăng ký của DN thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%. Số DN quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 DN, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 DN, tăng 50,5%.
Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng DN trong việc đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ.
Thực hiện chiến lược đưa du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đây cũng là cơ hội cho DN trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
7 tháng, Hà Nội ước đón 10,62 triệu lượt du khách
Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, trong tháng 7/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,94 triệu lượt khách (tháng 7/2021 đạt 17 nghìn lượt khách). Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt khách; khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 141 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6,15 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, 7 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,9 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
So với kế hoạch đặt ra đầu năm nay là đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng; ngành du lịch Thủ đô đã vượt mục tiêu đón khách nội địa, hoàn thành mục tiêu về tổng thu. Với đà phục hồi nhanh và mạnh như hiện nay, nhất là khi chưa đến mùa cao điểm đón khách quốc tế trong năm, năm 2022, lượng khách quốc tế đến Hà Nội cũng sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Bà Đặng Hương Giang, GĐ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, những tháng cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của TP như: Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tham mưu xây dựng, báo cáo UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về việc quy định một số chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022- 2025.
Theo kế hoạch Sở Du lịch TP Hà Nội, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội đến với các thị trường quốc tế, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook…
Theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại