Dự kiến tăng giá điện, các doanh nghiệp sản xuất đứng ngồi không yên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Dự kiến tăng giá điện, các doanh nghiệp sản xuất đứng ngồi không yên. |
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), trong số 19 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất báo lỗ “đột biến” trong năm 2022. Mỗi kWh điện bán ra, EVN lỗ khoảng 180 đồng. Vì thế, EVN đề xuất tăng giá điện trong năm tới.
EVN cho biết kể từ tháng 3/2019 đến nay giá bán điện bình quân chưa được tăng. Trong khi chi phí đầu vào phi mã, cho nên với giá bán điện hiện tại ngành điện đang bù lỗ. Ông Trần Đình Nhân, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: "Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng…"
Năm 2022 doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao đã khiến công ty có thể lỗ 31.000 tỷ đồng.
EVN đề xuất cơ quan quản lý về việc điều chỉnh giá điện trong năm 2022 và sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Trước động thái đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may, thủy sản đang khá lo lắng về đề xuất tăng giá điện của EVN. Bởi giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào đi lên, trong khi lạm phát gia tăng, đơn hàng giảm, khách hàng không chấp nhận tăng giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu rất khó khăn bởi lạm phát tăng mạnh, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn đang khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên. Nếu giá điện tăng các doanh nghiệp cũng không thể tính vào chi phí sản xuất được bởi như vậy sản phẩm sẽ không cạnh tranh được với đối thủ của các nước khác
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, hiện doanh nghiệp dệt may vốn đang rất chật vật vì đơn hàng giảm, nếu giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng sẽ là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp. Ước tính trung bình, mỗi tháng một nhà máy của VitaJean tiêu tốn khoảng 600.000 triệu đến 1 tỷ đồng tiền điện, giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đấy.
Không riêng doanh nghiệp dệt may, thủy sản cũng là ngành hàng sử dụng điện nhiều trong quá trình sản xuất, bảo quản. Một số doanh nghiệp cho rằng giá điện tăng sẽ là cú đấm bồi cho doanh nghiệp lúc này.
Đặc biệt là ngành xuất khẩu tôm đang chịu tác động lớn từ lạm phát ở thị trường Mỹ, EU và cạnh tranh gay gắt từ tôm Ấn Độ, Ecuador. Vốn dĩ giá thành sản xuất tôm Việt Nam đã cao hơn các đối thủ khoảng 1 USD/kg. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục lên cao mà khách hàng không chấp nhận tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải đứng trước bài toán một là chịu lỗ, hai là giảm đơn hàng, nguy cơ mất thị trường.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang trong tình cảnh “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp”, hứng chịu mọi hệ lụy từ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine… Tình trạng này đang làm cho ngành xuất khẩu thủy sản đi xuống. Nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn kéo dài đến quý II/2023. Trong bối cảnh đơn hàng giảm, lãi suất tăng, việc tăng giá điện sẽ là cú đấm bồi với doanh nghiệp và khó gượng dậy nổi.
Vì thế việc chỉnh giá điện cần cân bằng lợi ích giữa EVN và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho rằng năm 2023 không phải là thời điểm hợp lý để tăng giá điện và giá điện sẽ khó có thể điều chỉnh theo cơ chế thị trường khi EVN vẫn còn độc quyền
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang theo định hướng thị trường, vì vậy ngành điện cũng cần vận hành theo quy luật này. Trong 3 năm nay, giá điện chưa tăng, nhưng lạm phát, chi phí đầu vào liên tục biến động mạnh. Dù doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều không thể tồn tại nếu lỗ triền miên.
Theo ông Thịnh, không nên tăng giá điện vào cuối năm 2022 vì doanh nghiệp đang trong cao điểm sản xuất cuối năm. Thời điểm tháng 3 - 4/2023 tăng giá điện là hợp lý, EVN có thể cân bằng tài chính, đầu vào - đầu ra, doanh nghiệp sản xuất cũng qua mùa cao điểm.
EVN thông báo năm 2022 không tăng giá điện | |
Đề xuất tăng giá điện của EVN đang được Bộ Công thương xem xét | |
Bộ Công Thương báo cáo Quốc hội về việc tăng giá điện |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại