Doanh nghiệp được định hướng ra sao?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhung cảnh tấp nập tại một công trình xây dựng sát DA của Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên. Ảnh: K.H. |
Vi phạm nghiêm trọng
Như PL&XH phản ánh, cuối năm 2019, tại xứ Đồng Giành, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên một nhà máy xây dựng trên hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp được lãnh đạo Cty TNHH Công nghệ Xanh Hưng Yên tiến hành xây dựng. Trong các tài liệu của UBND tỉnh Hưng Yên, đây là nhà máy sản xuất phân vi sinh và chế phẩm sinh học: 30 000 tấn/năm; dịch vụ kho bãi, lưu giữ, ký gửi hàng hoá.
Diện tích xây dựng 2.966,5 m2 đất. Nhưng thực tế, Cty này đã tự thỏa thuận mua, chuyển nhượng đất ruộng với người dân, khiến diện tích DA “nở” thêm khoảng 28.000m2 đất nữa. Hiện đơn vị này đã tiến hành xây xong nhà máy và tường bao xung quanh.
Nhà máy điềm nhiên được xây dựng ngay trong thời điểm tháng 6-2021 khi UBND tỉnh Hưng Yên thành lập đoàn kiểm tra xuống làm việc với Cty TNHH Công nghệ xanh Hưng Yên.
Ngày 28-6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Cty TNHH Công nghệ xanh Hưng Yên. Theo đó, người đại diện theo pháp luật là ông Cao Huy Trang, GĐ Cty. Địa điểm thực hiện DA: Xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Mục tiêu DA: Sản xuất phân vi sinh và chế phẩm sinh học: 30 000 tấn/năm; dịch vụ kho bãi, lưu giữ, ký gửi hàng hoá.
Hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện là: “Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, với diện tích chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 hecta (Thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất năm 2020); vi phạm Điểm g, Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Hành vi vi phạm hành chính trên áp dụng tình tiết tăng nặng: “Cty đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và Chủ tịch UBND xã Đại Đồng xử phạt vi phạm hành chính tại quyết định số 39/QĐ-XPVPHC ngày 10-02-2020”. Từ đó, UBND tỉnh Hưng Yên quyết định xử phạt chính Công ty TNHH Công nghệ xanh Hưng Yên 210 triệu đồng.
Quyết định xử phạt này do ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ký tên.
Một khu đất liền kề DA của Công ty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên cũng đang được khẩn trương san lấp mặt bằng . Ảnh: K.H. |
Không yêu cầu DN khôi phục lại tình trạng ban đầu
Quyết định cho thấy, đây là hình thức xử phạt áp dụng tình tiết tăng nặng. Ở thời điểm UBND tỉnh ra quyết định, ngoài vi phạm về quy hoạch, DA, đất đai thì Cty TNHH Công nghệ xanh Hưng Yên đang có dấu hiệu vi phạm về đánh giá tác động môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Điều khó hiểu ở chỗ, ngay tại quyết định này, thay vì xử lý nghiêm vi phạm của DN thì UBND tỉnh Hưng Yên lại áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách yêu cầu DN: “Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, cho thuê đất theo quy định của pháp luật”.
Ngay sau khi PL&XH có loạt bài viết phản ánh những vi phạm về việc mở rộng diện tích vượt ra khỏi diện tích cho phép của DA, vi phạm về đất đai, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản số 314/UBND-KT2 chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến việc Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên từng bị UBND tỉnh xử phạt hành chính về đất đai (tại Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 28-6-2021) vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy trên đất nông nghiệp tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.
Đến giờ, đã quá thời hạn trả lời UBND tỉnh và hồi âm tới báo nhưng phía Sở TN&MT vẫn chưa có phản hồi. Nhưng Sở TN&MT Hưng Yên sẽ xử lý gì đây khi chính lãnh đạo của mình là UBND tỉnh đã định hướng cho Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp?
Phân tích sự việc, luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng UBND tỉnh Hưng Yên hoàn toàn có căn cứ khi áp dụng Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt vi phạm về đất đai của DN. Nhưng UBND tỉnh Hưng Yên đang áp dụng Nghị định này chưa cụ thể.
Thay vì yêu cầu DN áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Khoản 5, Điều 9 của Nghị định: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này…” thì UBND tỉnh Hưng Yên lại hướng dẫn DN khắc phục hậu quả bằng cách cho làm các thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp?
Điều này cho thấy, biện pháp yêu cầu DN khắc phục hậu quả được UBND tỉnh Hưng Yên áp dụng cho DN đang khác với biện pháp khắc phục hậu quả được Chính phủ định hướng trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Nếu Cty nào cũng lập DA một đằng rồi tự ý làm quy hoạch một nẻo, mở rộng diện tích gấp nhiều lần thì đâu cần phải lập DA, đâu cần phải có quy hoạch chi tiết hay đi cùng với đó là các đòi hỏi khắt khe khác như đánh giá tác động môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Nếu DN nào sau khi vi phạm cũng được UBND tỉnh định hướng như trường hợp của Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên chắc chắn sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt tác động trực tiếp đến môi trường. Không ít DN sẵn sàng nộp phạt để được hợp thức hóa sai phạm do chính mình gây ra.
Về xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm thời điểm này, chúng tôi thấy ngay sát DA của Cty TNHH công nghệ xanh Hưng Yên là một loạt công trình của các DN khác đang tấp nập san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao. Được biết, khu vực này chưa hề được quy hoạch thành cụm công nghiệp. Những ẩn họa về môi trường, giao thông, phòng cháy chưa cháy… luôn thường trực.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các bộ ngành thuộc sự quản lý của Chính phủ để gửi tới bạn đọc những thông tin mới nhất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại