Thứ sáu 03/05/2024 19:26

Đến hết 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 diễn ra ngày 19/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023…
Đến hết 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%
Toàn cảnh buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/năm 2024. Ảnh: Hoàng Giáp

Kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022/TT-NHNN

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Trong đó, có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp (DN) thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...

Đến tháng 3, tín dụng đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Lãnh đạo NHNN cho biết: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau bốn lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Để hỗ trợ các ngân hàng và DN, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với DN khó khăn thêm 6 tháng (thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024), tức tới hết năm nay theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

“Đây là chính sách hỗ trợ DN cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia,” ông Đào Minh Tú nói.

Tuy nhiên, NHNN đã phối hợp các bộ ngành rà soát, báo cáo đánh giá tác động các kết quả thực hiện Thông tư 02 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh. Trong bối cảnh hiện tại DN chưa hết khó khăn, NHNN bám sát chỉ đạo Thủ tướng để triển khai xây dựng cơ chế theo định hướng kéo dài hỗ trợ việc cơ cấu nợ đến hết năm 2024 (thêm 6 tháng).

Sẵn sàng can thiệp tỷ giá

Trong 3 tháng đầu năm NHNN luôn theo sát diễn biến, điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỉ giá tăng 4,9% so với đầu năm.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm qua NHNN giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. Ngoài lí do cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất là yếu tố góp phần khiến tỉ giá tăng thời gian qua, có yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD.

"NHNN sẵn sàng can thiệp nếu tỉ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. Dự trữ ngoại hối những năm qua bảo đảm được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Lãnh đạo NHNN cho hay, nhờ điều hành tỉ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

"Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Phát biểu thêm về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, hôm nay NHNN công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ trên website của NHNN.

Theo đó, NHNN sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.

"Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN", ông Phạm Chí Quang cho biết.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Lý do tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC sau gần 11 năm tạm ngưng
Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” để ổn định thị trường vàng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động