Thứ bảy 27/04/2024 17:21

Lý do tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Nhưng đến ngày 29/2 năm nay, tín dụng toàn nền kinh tế lại giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Dù vậy, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Lý do tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm

Báo cáo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra sáng 14/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 0,23% so với cuối năm 2023 và tín dụng đối với chứng khoán tăng 2,56%.

Đối với tín dụng lĩnh vực BĐS, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đã đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%. Trong đó: dư nợ kinh doanh BĐS đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ BĐS tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng BĐS.

Đối với tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán đạt gần 111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2,56% so với cuối năm 2023. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối tháng 01/2024 đạt khoảng 2,82 triệu tỷ đồng, chiếm 20,92% dư nợ nền kinh tế, giảm 1,77% so với cuối năm 2023.

Do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm chỉ ra là do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.

Ngoài ra, do theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng chậm do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp (DN) thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn.

Bên cạnh đó, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung nên tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là DN nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.

“Một số chương trình, chính sách tín dụng vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai như đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.

Về nguyên nhân chủ quan, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao, chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ DN và cá nhân vay vốn.

Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

“Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Thủ tục hành chính thực hiện tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước: Không cấm cho vay thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Thông tư 02/2023/TT-NHNN: Cần xem xét gia hạn thêm
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động