Đề xuất tiêu chí mới xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng “lõi nghèo” có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đến nay, kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được nâng cao, nhất là người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Do vậy, để xác định đối tượng thụ hưởng, địa bàn đầu tư của Chương trình trong bối cảnh mới, việc xây dựng tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết và cấp bách, bởi các lý do chính sau đây:
Thứ nhất, đây là cơ sở pháp lý bảo đảm việc công khai, minh bạch và thống nhất về hệ thống tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; là căn cứ để xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư công nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân phù hợp với mục tiêu, nội dung của Chương trình. Việc ban hành hệ thống tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế về nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã được Quốc hội phê duyệt theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, các căn cứ pháp lý chính để xây dựng tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 đã hết hiệu lực thi hành. Một số tiêu chí về huyện nghèo hiện nay chưa phản ánh thực trạng khách quan nghèo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và xã đặc biệt khó khăn đã trở nên lạc hậu, bất cập; tiêu chí về xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa gắn với mục tiêu thoát khỏi tình trạng khó khăn, phấn đấu xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ, tương ứng với khoảng 17,447 triệu người; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo không có khả năng lao động), tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%. Do đó, tiêu chí đánh giá, xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển cần phải xây dựng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo đảm phản ánh khách quan thực trạng nghèo trên địa bàn.
Hệ thống tiêu chí xác định huyện nghèo được dự thảo đề xuất như sau: 1- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; 2- Tiêu chí về trình độ phát triển đơn vị hành chính cấp xã; 3- Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; 4- Tiêu chí về huyện khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; 5- Tiêu chí tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân cư của huyện.
Hệ thống chỉ tiêu đánh giá cho mỗi tiêu chí và thang điểm đánh giá cho mỗi chỉ tiêu thuộc các tiêu chí trên được đề xuất tại Phụ lục I của dự thảo (áp dụng cho từng khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long), bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ về các chỉ tiêu, tiêu chí.
Theo dự thảo, tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được đề xuất như sau:
1- Có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 15% trở lên hoặc hộ nghèo từ 10% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; đối với các xã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn liên tục trong thời gian từ 3 tháng/năm trở lên, có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 12% trở lên hoặc có tỷ lệ hộ nghèo từ 8% trở lên.
2- Thiếu từ 2 công trình cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh trở lên, gồm: Xã chưa đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo quy định; cơ sở vật chất trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn quốc gia; chưa có phòng học kiên cố cho nhà trẻ, lớp mẫu giáo; chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; dưới 30% số hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh: Nước máy, nước giếng khoan, nước giếng đào có thành bảo vệ, nước khe mó được bảo vệ, nước mưa chứa trong bể chứa được bảo vệ); dưới 30% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện dưới 40% (riêng đồng bằng sông Cửu Long dưới 30%); tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa dưới 50% (riêng đồng bằng sông Cửu Long dưới 40%).
3- Xã đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở xuống.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại