Đề xuất sửa quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, Nghị định 42/2020/NĐ-CP cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải phát triển, đáp ứng được việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số nội dung cần phải điều chỉnh để phù hợp với công tác quản lý của các Bộ ngành, địa phương và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị vận tải. Ngày 31/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa.
Nội dung Nghị định 34 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của Nghị định 42/2020/NĐ-CP, đáp ứng việc phân cấp, phân quyền triệt để liên quan đến cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ và đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7, trong đó việc xây dựng Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm (dự thảo Nghị định) là cần thiết, đảm bảo thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và kịp thời khắc phục một số nội dung hạn chế sau thời gian thực thiện Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo khoản 6 Điều 51 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Chính phủ quy định chi tiết quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, do vậy, Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm (Chỉ quy định cho hoạt động vận tải hàng nguy hiểm trên đường bộ).
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung, sửa đổi một số quy định cần làm rõ được phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 34/2024/NĐ-CP, gồm:
Bổ sung khoản 7 Điều 1: quy định rõ việc cho phép sử dụng chứng chỉ đào tạo về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của bên ký kết khác (nước ngoài) khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên lãnh thổ Việt Nam.
Bổ sung khoản 9 Điều 8: quy định rõ đơn vị thực hiện việc tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm: Người thuê vận tải hoặc người vận tải hoặc đơn vị được Bộ quản lý ngành (có cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, về tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm, điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 34/2024/NĐ-CP hiện hành quy định: Người thuê vận tải hoặc người vận tải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm hoặc cử các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều này tham gia khóa huấn luyện của các đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm, định kỳ 02 năm một lần.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi: "a) Người thuê vận tải hoặc người vận tải có trách nhiệm tổ chức tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm hoặc cử các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều này tham gia khóa tập huấn do đơn vị được cơ quan quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm hoặc cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm giao nhiệm vụ tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm, định kỳ 02 năm một lần;".
Về đánh giá kết quả và lưu giữ hồ sơ huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm, theo điểm a khoản 6 Điều 8 Nghị định 34/2024/NĐ-CP hiện hành quy định: Người thuê vận tải hoặc người vận tải hoặc đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm chịu trách nhiệm kiểm tra để đánh giá kết quả huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi quy định tại điểm a khoản 7 Điều 8 đánh giá kết quả và lưu giữ hồ sơ tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm như sau: Đơn vị thực hiện tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm chịu trách nhiệm kiểm tra để đánh giá kết quả tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm…
Hà Nội tăng cường quản lý phương tiện vận chuyển học sinh | |
Hãng Hàng không Việt Nam vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ vùng bão lũ miền Bắc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại