Để ngành Hàng không, Du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội thảo với chủ đề “Hàng không - Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững”. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Giá vé cao khiến xu hướng đi du lịch của khách thay đổi
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ hồi phục vào cuối năm 2024.
Dự báo, tổng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước đạt khoảng 84,2 triệu khách, tăng 15% so với năm 2023 và tăng 6% so với năm 2019.
Mặc dù cho có nhiều tín hiệu tích cực nhưng ngành hàng không vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro hiện hữu có thể phát sinh. Đó là các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế; bất ổn về chính trị-xã hội các nước trên thế giới; hạn chế về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng; diễn biến bất lợi về giá nhiên liệu hàng không...
Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, Hoàng Nhân Chính cho rằng, giá vé máy bay tăng cao không chỉ làm tổn hại cho ngành hàng không và du lịch mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sinh kế của người dân địa phương.
"Giá vé máy bay trong nước ở Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực. Do đó, nhiều gia đình Việt Nam sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển"- ông Chính chia sẻ.
Bên cạnh đó, chính sách thời gian nhận, trả phòng đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt về thời gian. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.
Còn Giám đốc khối kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group, Lương Thị Hoàng Lan cũng cho rằng, giá vé máy bay trong nước tăng cao đã khiến xu hướng đi du lịch của khách thay đổi. Không chỉ lượng khách nội địa đi du lịch bằng máy bay suy giảm, mà nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc… vì chi phí vé máy bay rẻ hơn.
Bà Lan cho rằng, điều này là một minh chứng cho sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch, hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Cần sự "bắt tay" giữa Hàng không - Du lịch - Địa phương
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Lê Quốc Minh nhận định: "Hiện nay, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không chủ yếu là do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này còn quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn"
Trong bối cảnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, thì sự bắt tay giữa Hàng không và Du lịch là rất cần thiết và phải xây dựng kế hoạch tổng thể, cấp quốc gia để có tác động dài lâu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel, Nguyễn Quốc Kỳ cũng cho rằng, việc liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững.
“Du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các địa phương có thể tận dụng tối đa tiềm năng du lịch của mình và tạo ra những trải nghiệm du lịch phong phú và đa dạng cho du khách” - ông Kỳ nhấn mạnh.
Việc liên kết này có thể bao gồm chia sẻ tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các địa phương, xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng du lịch kết nối cũng như thúc đẩy các hoạt động quảng bá và tiếp thị chung. Đồng thời, việc liên kết này cũng mở ra cơ hội cho việc phát triển du lịch bền vững, khi các địa phương có thể cùng nhau đảm bảo bảo tồn và bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa...
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa du lịch và hàng không cần hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích các bên. Đây là mối quan hệ hai chiều, trong đó du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch.
Giám đốc kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group, Lương Thị Hoàng Lan cũng cho rằng, bên cạnh mối quan hệ giữa hãng bay và doanh nghiệp du lịch cần có thêm vai trò của các địa phương điểm đến.
“Mối liên kết 3 bên này không chỉ đem lại lợi ích cho các bên, góp phần quảng bá thương hiệu hai bên và hình ảnh điểm đến, mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế”- bà Lan đánh giá.
Mặc dù đã có một số kết quả tích cực từ sự liên kết với địa phương, hàng không, nhưng các doanh nghiệp lại cho rằng, những sự liên kết hiện có vẫn chưa mang tính tổng thể và quy mô quốc gia để có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, trong đó phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hàng không và doanh nghiệp du lịch.
Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia, trong đó cần có vai trò "nhạc trưởng" của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam hoặc Chính phủ để bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại