Để doanh nghiệp Nhà nước có vai trò đầu đàn, dẫn dắt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng đoạn đường phía trước còn không ít khó khăn để DNNN đạt mục tiêu là đầu tàu của nền kinh tế |
Ngày 24-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị toàn quốc với DNNN về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội. Ðây được coi là "hội nghị Diên Hồng" để Chính phủ lắng nghe ý kiến, đề xuất của các DN về những giải pháp thực hiện hiệu quả Ðề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng Cty Nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Ðề án) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 360/QÐ-TTg ngày 17-3-2022.
Là người tham gia soạn thảo Ðề án, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Kỳ vọng ở hội nghị rất lớn, vì bất kỳ DNNN nào cũng đều có dư địa phát triển, nắm nguồn lực quan trọng của đất nước nhưng vì một số nguyên nhân, nhiều DN không có động lực phát triển, vẫn ỷ lại, trông chờ vào ngân sách, người lãnh đạo sợ trách nhiệm, không muốn và không dám làm.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn mà cả trong các dự án đầu tư khiến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhiều năm không đạt mục tiêu đề ra, hoạt động đầu tư của DN cũng đình trệ. "Kỳ vọng sau hội nghị, cỗ xe DNNN sẽ nhanh chóng lăn bánh cùng với các thành phần kinh tế khác và có đà phát triển nhanh, không bị chững lại", ông Ðặng Quyết Tiến nói.
Ông Ðặng Quyết Tiến cũng chỉ rõ những điểm mới của Ðề án, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa DNNN trở lại đường ray phát triển, tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ðó là, việc cơ cấu lại DNNN không chỉ có giải pháp cổ phần hóa, thoái vốn mà là tổng hòa nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp lại DN, bao gồm cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài không có khả năng vực dậy.
Cổ phần hóa, thoái vốn không chỉ là bán vốn Nhà nước, thu tiền về mà thực chất là quá trình chuyển đổi để giữ lại DNNN hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Ðối với những DN được giữ lại, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, đầu tư thích đáng để DN phát triển.
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thực chất, hiệu quả, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN, không để thất thoát vốn và tài sản Nhà nước. Không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá, sau cổ phần hóa, DNNN phải hoạt động hiệu quả hơn, đúng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, đến hết năm 2020, cả nước còn khoảng gần 500 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Trong đó, có 94 DNNN quy mô lớn, nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.
Cơ hội lớn mở ra cho kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiều cường quốc kinh tế đang phải tăng trưởng chậm lại, nếu lúc này, Việt Nam gia tốc sẽ đuổi kịp nhịp độ phát triển chung. Một lần nữa, trọng trách lớn lại được đặt lên vai của DNNN, với yêu cầu được xác định rõ trong Ðề án là phát huy vai trò dẫn dắt của DNNN trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ.
Trong giai đoạn 2021-2025, việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN sẽ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Ðể thực hiện mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ.
Ðó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN; đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các DNTN; đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước; thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức Ðảng, đoàn thể trong DN...
Những giải pháp mới về tiếp tục cơ cấu lại DNNN cùng đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, trong giai đoạn này được kỳ vọng sẽ phá vỡ sức ỳ của khu vực DNNN, khơi thông nguồn lực, đưa DNNN trở lại đường ray phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại