Thứ sáu 22/11/2024 23:12

Đề án đào tạo song bằng cấp THPT ở Hà Nội sẽ tiếp tục đến hết năm học 2026-2027

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Quyết định số 3027/QĐ-UBND, TP Hà Nội tiếp tục kéo dài đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-Level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đến hết năm học 2026-2027.
Đề án đào tạo song bằng cấp THPT ở Hà Nội sẽ tiếp tục đến hết năm học 2026-2027
TP Hà Nội tiếp tục kéo dài đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-Level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đến hết năm học 2026-2027

Trước đó, từ năm 2017-2018, ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và A-level của Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An. Trong năm học 2018 - 2019, TP tiếp tục có 6 trường THCS và 1 trường THPT công lập triển khai chương trình song bằng, đó là: THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (ở cả hai khối THCS và THPT), 6 trường THCS: Chu Văn An - Tây Hồ, Trưng Vương - Hoàn Kiếm, Ngô Sỹ Liên - Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nghĩa Tân. Từ năm học 2021-2022, Hà Nội không tổ chức tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng. Hiện tại, đề án đào tạo song bằng tại cấp THCS còn 2 khóa học sinh; còn ở hai trường THPT (chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An).

Vào tháng 1/2023, tại hội nghị tổng kết giai đoạn triển khai thí điểm chương trình do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, các nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh đã có nhiều phản hồi tích cực về kết quả của chương trình này. Cụ thể, học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, tiếng Anh vượt trội, có năng lực tư duy và kỹ năng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình quốc tế Cambridge.

Để tiếp tục thực hiện đề án thí điểm đào tạo song bằng tú tài THPT, UBND TP Hà Nội giao Sở GD&ĐT có trách nhiệm xây dựng đề án tiếp tục thực hiện đề án này và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, xây dựng mức học phí đối với học sinh hệ song bằng được tuyển sinh theo đề án thí điểm, báo cáo UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm, tham mưu đề xuất mô hình phù hợp để phát triển giáo dục Thủ đô tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng phương án, tổ chức tuyển sinh năm học 2023 - 2024 đối với học sinh theo học hệ song bằng tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bảo đảm theo đúng quy trình, quy định và tiến độ thời gian với đối tượng là học sinh đã kết thúc học chương trình đào tạo song bằng theo Đề án thí điểm đã được triển khai tại một số trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội.

Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương đánh giá, tổng kết mô hình thí điểm giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất mô hình phù hợp để phát triển giáo dục Thủ đô tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật... Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập năm 2023 ở Hà Nội thế nào?
Hà Nội: Thí sinh cần rà soát kỹ khi nhận được phiếu báo dự thi vào lớp 10
Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động