Thứ ba 26/11/2024 13:01

Đánh ghen, cãi lộn... xin đừng liên lụy con cái

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Việc vợ, chồng cãi nhau hay thậm chí đánh nhau vốn đã là xấu trong văn hóa hôn nhân gia đình, hành động đó đáng lên án hơn nữa khi những cặp vợ chồng có thể dùng các từ ngữ chợ búa và hành vi bạo lực với nhau trước mặt những đứa con thơ...

Chỉ trong hai tháng 6 và tháng 7 năm 2017, báo đài và các phương tiện truyền thông đã không ít lần đưa tin, đề cập đến những vụ xô xát, hành hung giữa các cặp vợ chồng có xích mích. Nguyên nhân có thể đến từ việc ghen tuông hay mâu thuẫn trong gia đình, tuy nhiên, có thể thấy được điểm chung của những cặp vợ chồng này: họ luôn để mâu thuẫn cá nhân ảnh hưởng đến người khác.

Ngày 13-6-2017, mạng xã hội facebook dậy sóng với đoạn clip đăng tải về một vụ việc xảy ra vào chiều ngày 12-6 ở đường Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong clip là hình ảnh một người chồng trẻ to con, khỏe mạnh buông lời lăng mạ, giật tóc, đánh đấm mặc cho mặt mũi người vợ đã bê bết máu và đứa con gái gào khóc không thôi... Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là có rất nhiều người gần đó chứng kiến nhưng chẳng ai vào can ngăn.

Tối ngày 28-6-2017, trên nhiều diễn đàn mạng xôn xao chia sẻ một clip dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh trận cãi vã giữa hai vợ chồng xảy ra ở Sài Gòn khiến không ít người tò mò. Người vợ trong đoạn clip cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp về phía người chồng một cách không nương tay, mặc cho đứa con nhỏ trên xe không ngừng gào khóc: "trúng con kìa..." khiến nhiều cư dân mạng bức xúc.

minh hoa
Ảnh minh họa

Chỉ cách đây ít ngày, tức ngày 22-7-2017 tại phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một clip có hình ảnh trời đang mưa phùn thì bỗng xuất hiện một người phụ nữ đi chiếc xe máy và bế theo một đứa con nhỏ đến giữa phố dừng lại và chặn đầu một chiếc xe Ranger Rover màu trắng, gào thét, tố cáo chồng cặp kè với nhân tình trên xe.
Khi đã lập gia đình, việc nảy sinh mâu thuẫn và cãi cọ giữa vợ, chồng không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là khi mâu thuẫn đó phát sinh từ chuyện ngoại tình, ghen tuông. Không ít những trường hợp cãi nhau với chồng hay “bồ nhí” vì ghen tuông đều được các bà vợ đem đứa con theo như một biện pháp đối phó với người chồng phụ tình, để khiến chồng bẽ mặt trước những người xung quanh. Thế nhưng những người vợ, người mẹ đó không biết được rằng hành động đó của họ lại đang giết chết tuổi thơ của những đứa trẻ.

Tại Việt Nam, việc bố mẹ cãi nhau xưa nay vốn đã khó tránh, và vẫn thường xảy ra trước mặt con cái. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng hành động cãi nhau, đánh nhau trước mặt con cái đều đem lại những hậu quả khôn lường và lâu dài, đặc biệt là ở các em trong độ tuổi thiếu nhi và thiếu niên. Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, việc con cái chứng kiến bố mẹ mình cãi nhau có thể gây những ảnh hưởng tâm lý vô cùng khủng khiếp.

Ở lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên, con cái học cách ứng xử thông qua tiếp thu những hành động, lời nói và cử chỉ giao tiếp của bố mẹ, đặc biệt là tại các nước Á Đông, nơi con cái lấy bố mẹ làm thước đo để học tập. Việc bố mẹ cãi nhau trước mặt con sẽ khiến các con mất thăng bằng tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến sang chấn tâm lý, trầm cảm và ngại giao tiếp. Những dư chấn tâm lý này rất khó khắc phục, gây nguy hiểm cho những đứa con, khi mà những hành động này có thể bị bắt chước, học tập vào ứng xử xã hội hay xuất hiện những phản ứng đối phó như bỏ nhà đi bụi, phá phách và nghiêm trọng nhất là tự tử.

Có thể thấy rằng đa số các tội phạm vị thành niên, tội phạm trẻ hiện nay đều xuất thân từ những gia đình không có sự hòa thuận, yêu thương và chăm sóc của bố mẹ. Việc chứng kiến bố mẹ đánh nhau, cãi nhau hay bị cha mẹ trút giận lên là một trong những nguyên nhân khiến các thanh thiếu niên này ứng xử xấu xa, hung hăng và phạm tội. Đây là những hệ quả không thể chối cãi sinh ra từ bạo lực gia đình, từ những trận cãi vã vẫn bị người bố, mẹ xem là “nhỏ nhặt” và “không gây ảnh hưởng gì”.

Để giữ được gia đình êm đềm, hòa thuận, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào những người vợ biết giữ lửa cho gia đình, những người chồng là trụ cột gánh vác trọng trách lớn lao và những người con hạnh phúc, khỏe mạnh. Cho dù sự mâu thuẫn giữa vợ, chồng có lớn đến thế nào thì người chịu khổ nhiều nhất vẫn là những đứa con.

Đỗ Hoàng / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động