Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng đang mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Ổn định giá cả phục vụ nhu cầu mua sắm
Theo Bộ Công thương, dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể tăng hơn 10%, do đó, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được nhiều DN chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10% đến 25% so cùng kỳ. Đại diện MM Mega Market (Việt Nam) cho biết, DN đã tăng 20 - 30% tổng lượng dự trữ hàng hóa, đồng thời làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất; đồng thời triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10 - 30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.
Tương tự, Phó GĐ Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm khẳng định, đến nay, Hapro đã chuẩn bị đầy đủ các phương án chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đầy đủ về chủng loại, ổn định về giá cả phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngay từ tháng 9 - 10/ 2023, Hapro/BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, lập kế hoạch dự trữ và cung ứng nguồn hàng liên tục tăng từ 20-30% sản lượng bán hàng so với năm 2023 để phục vụ Tết Nguyên Đán. Ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: rau củ, bánh mứt kẹo, rượu bia, gạo, thịt lợn, thịt gà…Tổng Cty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm…
Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng GĐ Cty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, năm nay dù giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung. Trong quá trình sản xuất, Cty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dịp Tết 2024, dự kiến Cty đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm. Ngoài các loại mứt truyền thống, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm mới như mứt mận, hồng bì, hibicus... Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng chia sẻ, năm nay, DN dự kiến đưa ra thị trường 6.200 tấn bánh kẹo các loại với mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt trong dịp Tết.
Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, kém chất lượng
Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền GĐ Sở Công Thương Hà Nội, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, TP tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn TP Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể)…
Thông tin về hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn, quyền GĐ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của UBND TP, với mục tiêu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu bánh, mứt, kẹo bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không mua hàng không rõ thông tin, nhãn mác.
Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng thông tin, hàng năm Tổng cục QLTT đều ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngoài việc xác định cụ thể tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm Tổng cục QLTT thường xuyên quán triệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác hậu kiểm, đặc biệt đưa mặt hàng chế biến vào danh mục các mặt hàng trọng điểm thực hiện kiểm tra.
Ngoài ra, lực lượng QLTT còn tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, GĐ siêu thị Big C Thăng Long cho biết: "Lượng thịt lợn tươi sống chúng tôi chuẩn bị tăng 15 - 20%. Giá thịt thì từ ngày 11 - 24/1 chúng tôi áp dụng giảm 10% nếu khách hàng đến mua từ lúc mở cửa đến 10h sáng, giá thịt đùi giảm chỉ còn 80.000 đồng, nếu khách hàng có thẻ thành viên thì còn 72.000 đồng". |
Đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong và sau dịp Tết | |
Xuất khẩu hàng hóa năm 2024: những kỳ vọng và thách thức | |
Xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu số lượng lớn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại