Đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quochoi |
Bộ trưởng nêu, có 117 ý kiến tham gia góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), kể cả ở Tổ và tại hội trường hôm nay, gồm phát biểu miệng và chính thức bằng văn bản, các ý kiến thảo luận.
“Qua nghiên cứu rất nhanh và sơ bộ chúng tôi thấy các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Thống nhất, Luật này có cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng và có tính thuyết phục. Thống nhất là chúng ta xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, Thủ đô của cả nước chứ không phải riêng cho TP Hà Nội. Nếu như chúng ta xây dựng được các cơ chế để cho Thủ đô phát triển, Thủ đô sẽ tiếp tục làm đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa,… cho cả nước. Đó là những điểm cơ bản mà chúng ta thống nhất” - lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Cũng theo ông Lê Thành Long, các đại biểu cơ bản nhất trí với các chính sách đặc thù đã thiết kế ở trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số chính sách, mở rộng phạm vi về đặc thù, điều chỉnh về vị trí, bố cục của một số điều khoản, thậm chí là chương, thiết kế một số vấn đề cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Trong đó có vấn đề về thử nghiệm có kiểm soát TOD, vấn đề nhà ở, quy hoạch, quản lý đô thị, trọng dụng nhân tài, BOT, BT, văn hóa, thêm các “khóa” để kiểm soát quyền lực khi chúng ta phân cấp, phân quyền.
“Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, tôi xin phép được ghi nhận và sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với TP Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật này để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua trong kỳ họp sau” - Bộ trưởng Lê Thành Long nêu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu một số nội dung:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy và số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội. Ở đây, không tổ chức HĐND phường và nên tính toán theo mô hình của một số TP hiện giờ đang thí điểm.
Một là, Hà Nội đã có sơ kết, đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97/2019/QH14 và thống nhất nhận thức tiếp tục thực hiện cơ chế này; khi luật hóa thì phát huy hiệu quả, hiệu lực và đảm bảo vận hành tốt.
Hai là, thiết kế trên cơ sở thực tế, khi tăng cường phân cấp, phân quyền, HĐND cấp quận được giao thêm khá nhiều nhiệm vụ và đã được thiết kế tương đối kỹ ở trong Điều 11. Những việc giao thêm như vậy cần thiết phải có một cấp HĐND.
Vấn đề thu, chi ngân sách, đầu tư công, quyết định một số việc về tổ chức bộ máy giám sát,… Đây là đặc thù của Hà Nội và cũng có cân nhắc kỹ chính vì thế mới dự kiến ở trong dự thảo luật như vậy.
Về vấn đề số lượng đại biểu HĐND và cấp phó của HĐND. Vấn đề này cũng được sự thống nhất rất cao của Hà Nội.
Thực tế, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở Hà Nội là 1,4%. Nếu như số lượng 95 đại biểu HĐND TP hiện nay nếu chúng ta chia bình quân, 105.000 người dân mới có 01 đại biểu, thấp hơn bình quân của cả nước là 26.500 người dân/01 đại biểu. Ngoài ra, các nhiệm vụ, quyền hạn giao bổ sung cho HĐND có 38 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn nếu như Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Như vậy, số lượng nhiệm vụ thực tế cũng rất lớn như thế.
Hai là, về các biện pháp và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 34), có một số đại biểu băn khoăn, xin phân tích thêm. Đúng là vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành và vượt luật, nó tương đối đặc thù. Đó là, biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý và khu trú các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm và cũng khu trú tương đối kỹ lĩnh vực là đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Ba là, liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô. Hôm nay, không có nhiều ý kiến phát biểu, tuy nhiên, những quy định dự kiến ở trong Điều 4 cho đến giờ so sánh thấy tương đối khả thi. "Có so sánh với một số điểm khác đi trong áp dụng pháp luật, trong Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng…, chúng tôi thấy rằng, nếu thiết kế như thế này thì Hà Nội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, nhìn chung là các cơ quan trong hệ thống chính trị thêm nhiệm vụ, phải theo dõi rất sát trong quá trình áp dụng, triển khai Luật Thủ đô và các Luật sắp tới" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực | |
Mô hình tổ chức chính quyền Hà Nội đang thực hiện thí điểm đã phát huy hiệu lực, hiệu quả |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại