Đã tháo gỡ khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc xây dựng lại chung cư cũ sẽ đem đến diện mạo hiện đại xen giữa cổ kính cho Thủ đô |
Nút thắt được gỡ nhờ đồng thuận từ người dân
Hiện Hà Nội vẫn là nơi tập trung chung cư cũ (được xây dựng từ trước năm 1991) nhiều nhất cả nước, bên cạnh TP HCM. Theo khảo sát thực tế, Hà Nội đang có khoảng 23 khu chung cư cũ từ 4-5 tầng với trên 30.000 hộ dân sinh sống. Cùng đó, khoảng 10 khu nhà ở tập thể chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng đã xuống cấp và cần được cải tạo kịp thời.
Công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội luôn được chú trọng đẩy nhanh tiến độ nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ – CP về cải tạo chung cư cũ, TP Hà Nội đã xúc tiến việc thực hiện quy chế cải tạo, tháo gỡ một số tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại chung cư cũ độc lập. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong quy định phá dỡ, xây dựng lại các khu tập thể cũ. Đó là việc không quy định cụ thể hệ số bồi thường dẫn đến một số vướng mắc trong thỏa thuận giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu, cũng như trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Nhưng đến khi, Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó xác định rõ việc lập, phê duyệt kế hoạch cho đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., được kỳ vọng đẩy mạnh tiến trình đã ách tắc nhiều năm qua.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, Nghị định số 69 được ban hành sẽ giúp giải quyết vấn đề về lợi ích giữa 3 bên gồm: Nhà nước, DN và người dân khi đã phân cấp rõ cho từng địa phương (về đất đai, cơ chế huy động vốn...); quy định hệ số bồi thường và xác định nơi tái định cư.
"Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư không chỉ áp dụng cho một toà nhà đơn lẻ, mà còn bao gồm cải tạo, chỉnh trang đô thị nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển đô thị" - ông Nguyễn Mạnh Khởi bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thêm, nút thắt nan giải nhất dẫn tới sự chậm trễ trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ từ trước đến nay là tỷ lệ đồng thuận của người dân. Nhưng với sự ra đời của Nghị định số 69, những nút thắt này sẽ được tháo gỡ. Bởi khi xây dựng nhà chung cư cũ sẽ xây dựng đồng bộ cả quần thể một khu. Do đó, những tòa nhà chưa nhận được sự đồng thuận 100% vẫn có thể triển khai, song thời điểm thực hiện chậm hơn. Quy định trên là để đảm bảo việc triển khai đồng bộ với quy hoạch và kiến trúc.
Nghị định số 69 cho phép UBND cấp tỉnh quyết định hệ số K bồi thường từ 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ. Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số K được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở để xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch của các bên (nếu có).
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định số 69 cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ trước đây. Do không có thông tư hướng dẫn nên quan điểm của quá trình triển khai là vướng đâu, gỡ đó. Ngoài ra, TP Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Bên cạnh đó, cần sớm phê duyệt giá bồi thường, tái định cư, khi đó nhà đầu tư mới có thể tính toán lợi nhuận, thỏa thuận với người dân để người dân biết được đền bù như thế nào.
Mong muốn sớm xây dựng lại chung cư cũ
Khảo sát tại nhiều khu tập thể cũ tại các quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nghĩa Tân... cho thấy, ngoài những khu chung cư đã được đánh giá nguy hiểm cấp D, các tòa nhà trong khu vực cũng đã xuống cấp, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Khắp nơi đều xảy ra hư hỏng, tường bị nứt, hoen ố, bong tróc, hành lang tối tăm, ẩm thấp. Đặc biệt, tại nhiều tòa chung cư cũ, cầu thang lên xuống đã nứt gãy, được vá chằng chịt, dây điện, dây mạng buộc nối khắp hành lang.
Vì vậy, những người dân sinh sống tại quận Ba Đình đang mong muốn cơ quan chức năng cải tạo, xây dựng lại chung cư đã đánh giá nguy hiểm cấp D đồng thời có phương án để hỗ trợ giải quyết với những tòa lân cận đang trong quá trình xuống cấp.
Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn quận. Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt và các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Hà Nội đã được phê duyệt.
Đồng thời, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phục vụ tái định cư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ kết nối với các khu chức năng đô thị hiện hữu, phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị, nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản của Nhân dân, làm thay đổi cơ bản, nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh, hiện đại, bền vững.
Cùng với đó, huy động cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở tập trung quyết liệt, thống nhất thực hiện để đẩy mạnh, phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến từng khu chung cư cũ, tổ dân phố, từng hộ dân về các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và TP để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội trong việc di dời các hộ dân ra khỏi các nhà chung cư cũ nguy hiểm, phải phá dỡ, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn quận...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại