Thứ ba 15/10/2024 09:17

Cứu sống bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Phú Thọ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công một ca bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, đây là một loài rắn độc nguy hiểm.
Cứu sống bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Phú Thọ
Hình ảnh rắn lục đuôi đỏ và vết cắn ở chân của bệnh nhân. Ảnh: BV

Bệnh nhân N.T.T.H (38 tuổi, sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ) bị rắn cắn vào chân khi đang làm việc trong vườn nhà. Sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế huyện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để điều trị chuyên sâu.

Khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của nọc rắn lục: hạn chế vận động, vết cắn chảy máu, vùng xung quanh tím tái, sưng nề, đau nhức. Xét nghiệm máu cho thấy dấu hiệu rối loạn đông máu. Dựa trên triệu chứng và hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, bác sĩ xác định đây là ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bệnh nhân được điều trị khẩn cấp bằng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác như kháng viêm, giảm đau, kháng sinh và truyền dịch. Sau 24 giờ, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.

Bác sĩ Khổng Thị Bích Phương - Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời. Nếu chậm trễ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc nguy hiểm, với nọc độc mạnh hơn rắn lục thông thường. Nọc của nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh và liệt cơ hô hấp.

Các bác sĩ cảnh báo số ca rắn cắn thường tăng cao vào mùa mưa. Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn có thể khiến độc tố di chuyển vào máu nhanh hơn gây ra các rối loạn nguy hiểm như liệt thần kinh, liệt cơ hô hấp, rối loạn đông máu nặng, sốc tim… Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng và biết cách sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn.

Một số điểm quan trọng trong sơ cứu bao gồm: giữ bình tĩnh và hạn chế di chuyển; nhanh chóng tháo bỏ đồ trang sức và quần áo bó sát; băng vùng trên vết cắn, nhưng không quá chặt; đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh những điều không nên làm như chích rạch vết thương, đắp lá, garo quá chặt hay cho bệnh nhân uống rượu.

Ngoài ra, cần cố gắng ghi nhớ hình dạng của rắn để mô tả cho bác sĩ. Nếu con rắn đã chết, cần mang đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục của từng loài.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm
Cứu sống sản phụ bị viêm gan tự miễn hiếm gặp sau sinh mổ
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động