Cụm công nghiệp đáp ứng phát triển sản xuất tại các làng nghề
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCụm công nghiệp Phương Trung, huyện Thanh Oai hướng tới cụm công nghiệp xanh, sạch, hiện đại. Ảnh: H. Nhung |
70 cụm công nghiệp đang hoạt động
Thống kế trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, thu hút được hơn 3.800 hộ, DN vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những TP hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như cụm công nghiệp Phương Trung (huyện Thanh Oai).
Cụm công nghiệp Phương Trung đang là điểm sáng trong bối cảnh thị trường bất động sản công nghiệp chuyển biến tích cực. Đây là cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thi công hạ tầng, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường...; sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư vào thuê đất cần diện tích vừa và nhỏ quanh Hà Nội từ tháng 11/2023.
Trước đó, UBND huyện Phúc Thọ đã trình UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định thành lập Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2), với tổng diện tích hơn 32 ha. Sau gần 3 năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và nỗ lực GPMB, giữa tháng 1/2024, dự án đã được khởi công xây dựng.
Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhất là việc rút ngắn các thủ tục hành chính để hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng, đưa cụm công nghiệp vào hoạt động trong thời gian sớm nhất và đồng hành, hỗ trợ các DN trong suốt quá trình hoạt động tại cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển
Cuối tháng 12/2023, UBND huyện Ðan Phượng cũng đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Song Phượng, với quy mô gần 6,7ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng. Dự án được xây dựng theo hướng hiện đại, xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao để thu hút các DN ở xã Song Phượng và vùng lân cận vào thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, cụm công nghiệp này sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ và thúc đẩy quá trình phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, xây dựng, chế biến thực phẩm, nông sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP năm 2024. Kế hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại