Có thể tiến hành thực nghiệm hiện trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDãy nhà trọ nơi cháu bé bị bạo hành tử vong |
Mới đây, CQ CSĐT - CA quận 7 đề nghị VKSND quận 7 phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi, ngụ tại quận 7) về tội “Cố ý gây thương tích”
Thông tin ban đầu, khoảng cuối tháng 9/2022, thông qua mạng xã hội, ông Trương Hoàng Đức biết Nguyễn Ngọc Phượng, SN 1991, thường trú ấp 06, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước nhận trông giữ trẻ em qua đêm tại phòng trọ số 20 - nhà trọ 69/4 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM. Sau đó, ông Đức nhờ Phượng trông giữ con gái của mình là bé Trương Gia Hân, sinh ngày 6/6/2021 (tên thường gọi là Mây, chưa làm giấy tờ khai sinh) với giá thỏa thuận là 5 triệu đồng/ tháng.
Khoảng 22h ngày 6/11, ông Đức nhận được điện thoại của Phượng báo tin bé Hân cấp cứu tại BV quận 7, sau đó chuyển đến BV Nhi Đồng II TP HCM. Khi ông Đức tới BV thì thấy con gái toàn thân tím tái, hôn mê; trên người có nhiều vết bầm tím. Nghi ngờ bé bị bạo hành, ông Đức trình báo vụ việc tại CA phường Phú Mỹ (quận 7). Đến khoảng 7h10 ngày 8/11/2022, bé Hân đã tử vong.
CA quận 7 phối hợp với VKSND quận 7 và Phòng kỹ thuật hình sự CA TP HCM tiến hành khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi, xác định nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não.
Ban đầu Nguyễn Ngọc Phượng không thừa nhận đánh nạn nhân. Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ của CQĐT, Phượng phải khai nhận hành vi phạm tội. Nghi can Phượng khai, do bé Hân thường quấy khóc, cùng với việc ông Đức (cha cháu bé) không trả tiền công đúng hẹn nên Phượng đã nhiều lần dùng tay và cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay và chân của bé Hân gây thương tích.
Đỉnh điểm từ ngày 31/10 đến ngày 5/11, khi bé Hân quấy khóc thì Phượng đã dùng tay tát vào mặt và đánh mạnh vào vùng đầu của bé Hân nhiều lần, có lần đối tượng dùng bình sữa gõ vào đầu nạn nhân.
Trần Trọng Hữu (chồng của Phượng) cũng khai nhận, nhiều lần chứng kiến việc Phượng dùng tay và cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay, chân bé Hân và Hữu có can ngăn. Bản thân Hữu cách đây khoảng 3 tuần, do bé không chịu ăn nên Hữu có dùng tay đánh hai cái vào đùi phải của bé.
UBND quận 7 đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH quận phối hợp với Đảng ủy - UBND - MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phường Phú Mỹ đến thăm hỏi, chia buồn và trao số tiền 5.000.000 đồng cho gia đình anh Trương Hoàng Đức.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của nghi phạm và có thể tiến hành thực nghiệm hiện trường để làm căn cứ giải quyết vụ việc.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy nghi phạm đã thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé như đánh đập, quăng quật, sử dụng hung khí để đánh cháu bé... Và, tại thời điểm thực hiện hành vi, nghi phạm hoàn toàn có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì nghi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Giết người” được theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Trường hợp kết quả điều tra chứng minh nghi phạm không có động cơ, mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, hành vi chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân…Trong tình huống này, CQĐT có thể xử lý nghị phạm về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 5, Điều 134 BLHS. "Vấn đề động cơ, mục đích, nhận thức và diễn biến hành vi cụ thể của nghi phạm sẽ quyết định việc khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” hay tội “Giết người” trên cơ sở các quy định của Bộ luật Hình sự và lý luận về cấu thành tội phạm", luật sư Thái cho biết.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án mạng do các đối tượng trông giữ trẻ gây ra. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định giáo dục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người thực hiện các hoạt động giáo dục, đặc biệt là trông giữ trẻ em, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có đạo đức và có kỹ năng chăm sóc trẻ...
“Bởi, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ bởi trẻ em là người yếu thế trong xã hội, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống, chưa có khả năng tự vệ bảo vệ bản thân”, luật sư Thái cho hay.
Việc giao trẻ cho những đối tượng thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng, không có chuyên môn nghiệp vụ, đó là là mối nguy hiểm đối với trẻ em. Chính vì vậy, những vụ việc hành hạ, bạo hành, gây thương tích, sát hại trẻ em thường diễn ra ở các cơ sở giáo dục tự phát, những đối tượng trông giữ trẻ tự phát hoặc những người bỗng dưng phải chăm sóc trẻ em như cha dượng, mẹ kế...
Theo luật sư Thái, để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng, để trẻ em được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, các bậc phụ huynh cần có những kiến thức cơ bản về quyền trẻ em, biết cách thức bảo vệ quyền trẻ em.
Đặc biệt là chỉ giao con mình cho những người có đạo đức, có đủ điều kiện về sư phạm, có sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp của họ mới giảm thiểu được tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại