Thứ sáu 19/04/2024 09:05

Có cần thiết tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ hay không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vắc-xin đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc-xin phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh này.
Có cần thiết tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ hay không?
BS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 26/7 (ảnh V.H)

Trong tình hình bệnh đậu mùa khỉ đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ, đã có nhiều người quan tâm đến các biện pháp phòng bệnh, trong đó tiêm vắc-xin là một giải pháp.

Về vấn đề này, BS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vắc-xin tiêm đại trà cho người dân. Một số vắc-xin đã được đăng ký lại để được phép sử dụng trong trường hợp việc tiêm chủng cần được thực hiện.

Việc tiêm chủng vắc-xin đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm đối tượng như sau: Người đã tiếp xúc với người bệnh-tiêm phòng sau phơi nhiễm; Người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh-tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.

"Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này", Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tới thời điểm 18/7/2022, WHO không khuyến cáo việc tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi do virus đậu mùa khỉ không dễ dàng lây lan. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Đánh giá về nguy cơ xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam, BS. Đỗ Thị Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ học, Trưởng nhóm đáp ứng khẩn của WHO tại Việt Nam cho biết: Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh từ thấp đến trung bình.

Đánh giá này dựa vào các tiêu chí: mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập và nguy cơ lây lan ở khu vực. Đến ngày 21/7, khu vực Tây Thái Bình Dương có 53 ca bệnh được báo cáo từ 6 quốc gia. Tuy nhiên trên thế giới đang có sự gia tăng ca bệnh rất nhanh, từ hơn 3.000 ca bệnh tại 47 quốc gia vào đầu tháng 5 lên đến hơn 15.000 tính đến thời điểm này tại 72 quốc gia. Do mở cửa nên nguy cơ có ca xâm nhập vào Việt Nam là có thể.

"Dù vậy, cũng cần lưu ý có thể các số liệu báo cáo chưa đầy đủ. Quy mô thực tế có thể lớn hơn những gì chúng ta thấy trên báo cáo. Đáng lưu ý, có rất nhiều ca bệnh hoàn toàn không có tiền sử đi lại đến vùng có ca bệnh. Chúng tôi cho rằng nguy cơ những làn sóng mới và sự gia tăng mới của ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể. Tương tự, đường lây truyền virus còn nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu", BS. Hiên nhấn mạnh.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ mẹ sang con
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế họp khẩn tìm cách ứng phó
6 điều cần biết để phòng tránh nhiễm đậu mùa khỉ
Mỹ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động