Thứ sáu 22/11/2024 04:32

Chuyện về các gia đình hiến máu "có gia phả"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Khi thấy bố mẹ đi hiến máu cháu rất tự hào và ngưỡng mộ bố mẹ. Từ khi cháu biết bố mẹ cháu đi hiến máu tình nguyện và được tặng cái đồng hồ treo trong phòng cháu là cháu đã muốn tham gia hiến máu. Cháu đang háo hức chờ đủ tuổi để đi hiến", Nguyễn Linh Anh, 17 tuổi ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ.
Bà Hồ Thị Kim Hương cùng cháu nội háo hức chờ đủ tuổi để tham gia hiến máu theo gương bố mẹ (ảnh T.A).
Bà Hồ Thị Kim Hương cùng cháu nội háo hức chờ đủ tuổi để tham gia hiến máu theo gương bố mẹ (ảnh T.A).

Từ khi lớn lên, biết nhận thức về mọi việc thì bé Linh Anh, SN 2005 đã chứng kiến bố mẹ tham gia hiến máu tình nguyện như một thói quen. Từ đó, ước muốn khi lớn lên được tham gia hiến máu như bố mẹ đã nảy mầm trong lòng cô gái nhỏ. Năm nay bước sang tuổi 17, Linh Anh vẫn đang "đếm ngược" từng ngày để chờ đến lúc được tham gia hiến máu.

Cô bé chia sẻ: Từ khi cháu nhận thức được việc bố mẹ đi hiến máu và được tặng cái đồng hồ là cháu đã muốn đi hiến máu rồi. Khi thấy bố mẹ đi hiến máu cháu rất tự hào và ngưỡng mộ bố mẹ. Cháu không sợ kim tiêm nên sẵn sàng đi hiến. Cháu chưa biết cảm giác hiến máu như thế nào nên đang rất háo hức chờ đủ tuổi để đi hiến.

Bà Hồ Thị Kim Hương - bà của Linh Anh, là người cũng có nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện cho biết: Gia đình có tất cả 6 người tham gia hiến máu gồm bà, vợ chồng con trai/con dâu, con gái. Con trai bà năm nay 41 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, từ khi còn là sinh viên.

"Lúc ấy, con trai cô đang học năm thứ 2 ĐH đã đi hiến máu tại trường, nó rủ cả bạn gái tham gia. Khi chúng nên vợ nên chồng rồi vẫn duy trì đều đặn thói quen ấy, đến nay cũng hơn 20 năm trôi qua, mỗi người có 28-30 lần hiến máu", bà Kim Hương kể.

Khi con tích cực tham gia hiến máu, lúc ấy dù lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bà Hương lại nghĩ "nếu con không hiến chẳng may khi con khó khăn, gặp nạn thì ai giúp con". Vì thế, khi con trai đi hiến về dò hỏi ý mẹ thì bà đều tỏ ra rất bình thản, trấn an con "không vấn đề gì đâu".

Và một sự kiện xảy ra khiến bà không còn đứng ngoài cuộc nữa là khi chứng kiến con hiến máu cứu sống con của đồng nghiệp. Hai đứa bé sinh đôi bị bệnh cần truyền máu nhưng cháu bé thuộc nhóm máu hiếm, rất khó huy động. Con trai bà Hương lúc ấy dù vừa ốm dậy nhưng vẫn quyết tâm hiến máu cứu cháu bé. Lượng máu ấy chỉ đủ để hiến cho 1 đứa trẻ. Anh đã rủ 70 bạn về và thử máu rất nhiều người, cuối cùng đã có người cùng nhóm máu. Kết quả, nhờ đó cháu bé còn lại được cứu sống.

Thấy được những việc làm ý nghĩa đó bà đã quyết định “thử hiến máu 1 lần xem sao”. Dù chỉ trải qua 7 - 8 lần hiến máu thì ngừng do sức khỏe không đảm bảo nhưng trải nghiệm hiến máu trực tiếp cứu sống 1 người cũng khiến bà vui mãi. Bản thân bà cũng trực tiếp truyền máu cho người hàng xóm tại BV. Nhờ lượng máu ấy, người chị em hàng xóm đã được cứu sống. Ân tình ấy đến bây giờ họ vẫn nhắc lại với bà và 2 chị em càng trở nên thân thiết hơn. Đó là những món quà quý giá, tình cảm quý giá mà bà có được từ phong trào hiến máu tình nguyện.

Chị Ngân cùng con trai tiếp nối truyền thống hiến máu của gia đình để giúp thêm được nhiều người cần máu (ảnh T.A).
Chị Ngân cùng con trai tiếp nối truyền thống hiến máu của gia đình để giúp thêm được nhiều người cần máu (ảnh T.A).

Còn với chị Lê Thị Ngân, SN 1974 ở Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên thì người tạo động lực, khơi dậy cảm hứng hiến máu cho chị chính là người anh ruột của mình: ông Lê Trung Truyền, ở Văn Giang, Hưng Yên - người đã nhiều lần thuê xe ô tô cùng đại gia đình sang Hà Nội hiến máu gần 200 lần. Chị Ngân đã gia hiến máu từ năm 2015, đến nay đã trải qua 23 lần hiến máu tình nguyện.

Chị chia sẻ: "Động lực để tôi đến với phong trào hiến máu tình nguyện là từ sự động viên cũng như chính câu chuyện của anh Truyền. Anh Truyền là người đầu tiên trong gia đình hiến máu. Anh đã truyền ngọn lửa cảm hứng cho cả gia đình. Khi tham gia hiến máu tôi mong muốn mang sức khỏe và hạnh phúc đến cho tất cả mọi người, mong bệnh nhân luôn luôn nhận được những điều tốt đẹp".

Nhớ lại suốt chặng đường qua, người em gái út của ông Truyền cho biết, mỗi lần đến lịch hiến máu thì ông Truyền lại huy động cả nhà cùng đi, mọi người thuê hẳn 1 ô tô cùng nhau sang Viện Huyết học - truyền máu Trung ương. Nếu không đủ người thì mọi người tự đi xe máy, 1 năm đều đặn 4 lần. Đến nay đại gia đình chị có hơn 20 người từ con, cháu, anh, em đều tiếp nối truyền thống tham gia hiến máu, ai cũng háo hức.

"Mới đầu, cả dân làng nghĩ là nhà tôi vô công rồi nghề vì cứ kéo cả nhà đi Hà Nội hiến máu, lại còn vận động cả làng cùng đi. Họ bảo, sống cho bản thân còn khó, nói gì đi hiến máu. Nhưng tôi nghĩ, đây cũng là cơ hội để thanh lọc máu, tái tạo máu mới giúp mọi người. Thấy cả nhà tôi đi hiến máu đều đặn mà vẫn khỏe mạnh nên nhiều người hưởng ứng, trong đoàn của chúng tôi đã có thêm được một số người ở làng cùng đi", chị Ngân bày tỏ.

Hiện nay, trong gia đình nhỏ của chị Lê Thị Ngân cả 4 người đều tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng chị và con trai lớn tiện thu xếp hơn nên đi thường xuyên, cứ mỗi 3-4 tháng lại đi hiến như một thói quen.

Cùng đi với mẹ hiến máu, Vũ Tuấn Đức, 27 tuổi bày tỏ: Suy nghĩ của em khi hiến máu là muốn giúp người chứ không nghĩ gì nhiều. Em tham gia hiến máu từ khi còn là sinh viên, đến nay đã 5 năm. Cứ đều đều 3 tháng đến lịch là em lại đi hiến máu. Bạn gái em thấy vậy cũng rất thích nhưng tiếc là bạn ấy không đủ điều kiện sức khỏe để tham gia. Còn với em thì sẽ tiếp tục tiếp nối truyền thống của gia đình để có thể giúp thêm được nhiều người.
Lễ hội Xuân độc đáo: Người tham dự không đến để... cầu may!
Những "nhịp cầu" lan toả yêu thương tại lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước
Tuấn Hưng, Quang Hải, Văn Hậu tham gia hiến máu vì cộng đồng
Khai trương điểm hiến máu cố định ngoại viện thứ 4 tại Hà Nội
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động