Thứ sáu 22/11/2024 10:19

Lễ hội Xuân độc đáo: Người tham dự không đến để... cầu may!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khác với hàng ngàn lễ hội đầu xuân diễn ra trên cả nước, đây là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mình. Họ đến để trao tặng những giọt máu đào quý giá góp phần cứu sống người bệnh. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt, riêng có của Lễ hội Xuân hồng.
Lễ hội Xuân độc đáo: Người tham dự không đến để... cầu may!
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc lễ hội hiến máu lớn nhất trong năm

Đó là chia sẻ của TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tại buổi khai mạc Lễ hội Xuân hồng năm 2022 diễn ra ngày 12-2.

Gần 92 nghìn đơn vị máu được tiếp nhận để cứu người

TS. Bạch Quốc Khánh cho biết, trong nhiều năm trước đây, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác diễn ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn người hiến máu. Xuất phát từ thực trạng đó, với mong muốn góp phần đảm bảo đủ máu cho hoạt động khám chữa bệnh của nhân dân trong và sau Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức một sự kiện hiến máu lớn ngay sau Tết Nguyên đán.

Vào mùa xuân năm 2008, Lễ hội Xuân hồng đã ra đời và được tổ chức lần đầu tiên với những kết quả rất đáng khích lệ. Trải qua 14 kỳ tổ chức (từ năm 2008 đến 2021), Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm nghìn người tham dự, tiếp nhận gần 92.000 đơn vị máu.

"Khác với hàng ngàn lễ hội đầu xuân diễn ra trên cả nước, đây là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mình mà đến để trao tặng những giọt máu đào quý giá góp phần cứu sống người bệnh. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt, riêng có của Lễ hội Xuân hồng", Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhấn mạnh.

Lễ hội Xuân độc đáo: Người tham dự không đến để... cầu may!
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương: Trải qua 14 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hàng trăm nghìn người tham dự, tiếp nhận gần 92.000 đơn vị máu

Với những ý nghĩa to lớn của Lễ hội Xuân hồng, từ năm 2010 đến nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động Hiến máu tình nguyện đã chỉ đạo và đưa Lễ hội Xuân hồng thành một chiến dịch vận động hiến máu trên phạm vi cả nước. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều tổ chức và chọn Lễ hội Xuân hồng là chương trình hiến máu khởi động cho một mùa xuân mới; Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng tổ chức hưởng ứng.

Có thể khẳng định rằng, Lễ hội Xuân hồng đã hoàn thành sứ mệnh của mình với 3 mục tiêu lớn gồm: Góp phần thể hiện ở việc khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng ngay sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Các bệnh viện cơ bản được đáp ứng đủ máu cho điều trị, hầu như không còn tình trạng kêu gọi người nhà người bệnh hiến máu. Chỉ tính riêng trong 5 ngày vừa qua, Viện đã cấp phát gần 5.500 đơn vị máu cho 102 bệnh viện. So sánh với năm 2021, sau nghỉ Tết Nguyên đán, Viện chỉ cấp phát được 2.500 đơn vị;

Thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu dịp Tết. Hiến máu đã dần trở thành nét đẹp văn hoá đầu xuân mới cùng với làm việc tốt, việc thiện để thêm may mắn. Riêng Tết Nhâm Dần năm nay, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận 170 người đến hiến máu và hiến tiểu cầu. Như vậy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Viện đã tiếp nhận được 903 đơn vị máu toàn phần và 575 đơn vị khối tiểu cầu. Trong 05 ngày sau Tết, hoạt động tiếp nhận máu vẫn diễn ra liên tục với số lượng máu tiếp nhận hơn 3.000 đơn vị máu toàn phần và gần 600 đơn vị tiểu cầu gạn tách);

Lễ hội Xuân hồng cũng là cơ hội để “diễn tập” các biện pháp huy động người hiến máu, phương án tổ chức tiếp nhận người hiến máu với nhiều quy mô, điều kiện hoàn cảnh khác nhau, phòng trường hợp khẩn cấp, thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh cần máu.

Ứng dụng tính năng hiến máu trên facebook

TS-BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: Kết quả của Lễ hội Xuân hồng nói riêng và phong trào hiến máu tình nguyện nước ta những năm vừa qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp có được là nhờ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương và đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội với ý thức cộng đồng rất cao.

Các cơ quan truyền thông, các mạng xã hội cũng góp sức tích cực, giúp kêu gọi hiến máu kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy mà riêng năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến công tác hiến máu nhưng trong điều kiện thích ứng linh hoạt, toàn quốc đã tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, đạt tỷ lệ hiến máu tình nguyện là 99%”.

Lễ hội Xuân độc đáo: Người tham dự không đến để... cầu may!
Tính năng hiến máu trên facebook hoạt động sẽ góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện trên không gian mạng xã hội

Lễ hội Xuân hồng lần thứ 15 năm 2022 tại Hà Nội sẽ được diễn ra liên tục trong 9 ngày từ ngày 12-2 đến 20-2 tại 5 địa điểm khác nhau. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ năm 2020, thay vì chỉ tổ chức hiến máu trong ít ngày tại một địa điểm, Lễ hội Xuân hồng được tổ chức kéo dài tại nhiều địa điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đến tham gia hiến máu và tuân thủ các quy định phòng chống dịch dự kiến tiếp nhận 7.000 đơn vị máu toàn phần và trên 1.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách. Ban tổ chức đã chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đặc biệt một nội dung mới của Lễ hội Xuân hồng năm nay là Tập đoàn Meta – Đơn vị chủ quản của mạng xã hội lớn nhất thế giới facebook sẽ hỗ trợ tính năng hiến máu trên facebook tại Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện trên không gian mạng xã hội. Tính năng này được Tập đoàn Meta triển khai từ năm 2017, đến nay đã được áp dụng tại 43 quốc gia với hơn 100 triệu người đăng ký và sẽ chính thức xuất hiện trên Facebook của người dùng Việt Nam vào ngày 16-2. Tính năng sẽ cho phép các cơ sở tiếp nhận máu tại Việt Nam kết nối dễ dàng, nhanh chóng với người hiến máu; giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiến máu an toàn và tăng cơ hội của người dân được tiếp cận với các địa điểm hiến máu gần nhất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, sự phối hợp, hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiến máu an toàn, thúc đẩy hành vi hiến máu nhắc lại thường xuyên là vô cùng kịp thời.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động