Thứ năm 15/08/2024 05:15

Vì sao mọi người cần xét nghiệm máu để biết nhóm máu của bản thân?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các bác sĩ, những người mang nhóm máu hiếm có thể gặp những rủi ro trong làm việc và sinh hoạt. Vì vậy, mỗi người cần làm các xét nghiệm xác định nhóm máu càng sớm càng tốt để biết nhóm máu của bản thân và có phương án phòng ngừa tai nạn cho mình.
Vì sao mọi người cần xét nghiệm máu để biết nhóm máu của bản thân?!
Các tình nguyện viên đã có mặt kịp thời hiến máu cứu sống bệnh nhân P. Ảnh: BVCC

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả vừa tiếp nhận cấp cứu cho một ca bệnh đặc biệt - bệnh nhân mang nhóm máu hiếm bị vết thương động tĩnh mạch đùi trái gây sốc mất máu.

Theo đó, bệnh nhân T.Q.P (40 tuổi, trú tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) được đưa vào viện trong tình trạng kích thích, vã mồ hôi, da nhớp lạnh, niêm mạch nhợt. Nguyên nhân là do một vật sắc đâm vào đùi trái, gây chảy máu nhiều. Mặc dù đã được sơ cứu bằng băng vải trước khi đến viện, nhưng tình trạng chảy máu vẫn không được kiểm soát.

Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ được kích hoạt. Các bác sĩ nhanh chóng phát hiện một vết thương ở mặt trước trong đùi trái của bệnh nhân, kích thước khoảng 2cm, bờ sắc gọn, máu phun chảy thành tia. Ngoài ra, bệnh nhân còn có vết thương sâu ở ngón 1 và 2 bàn chân phải đang rỉ máu. Sau khi hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do vết thương động tĩnh mạch đùi trái và được chỉ định phẫu thuật tối cấp cứu. Cùng với đó, bệnh nhân cũng được làm xét nghiệm máu để sẵn sàng truyền máu khi cần thiết.

Kíp phẫu thuật gồm BSCKI Ngô Quang Chinh, BS Nguyễn Minh Đức, BS Nguyễn Văn Thuần và BSCKI Nguyễn Đức Mạnh (bác sĩ gây mê) đã nhanh chóng vào cuộc. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy vết thương gây tổn thương trên một đoạn dài khoảng 3cm cả động mạch và tĩnh mạch đùi trái nên đã quyết định lấy tĩnh mạch hiển của chân phải để nối đảo chiều động mạch đùi, thay thế đoạn mạch máu bị hỏng. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, sau đó đã bắt được mạch chày trước, chày sau, chứng tỏ việc nối mạch máu đã thành công.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ việc bệnh nhân cần truyền khoảng 1.000ml máu do mất máu nhiều trước khi đến viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nhóm máu B, Rh (-) cực kỳ hiếm. Kíp trực đã liên hệ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh nhưng cũng không có sẵn đơn vị máu này. Trước tình hình đó, hai bệnh viện đã thống nhất phương án: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh liên hệ với CLB nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh để tìm tình nguyện viên hiến máu cấp cứu, đồng thời Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để truyền máu và tiếp tục điều trị.

Đến trưa ngày 12/8/2024, sau khi được truyền máu an toàn, bệnh nhân T.Q.P đã ổn định và đang phục hồi tốt.

Qua trường hợp trên, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cẩm Phả đưa ra một số khuyến cáo quan trọng cho cộng đồng, đặc biệt là những người mang nhóm máu hiếm: cần hết sức thận trọng trong quá trình sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Ngay khi có tổn thương, cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu, truyền máu kịp thời, tránh nguy hiểm tới tính mạng.

Theo các bác sĩ, tại Việt Nam, chỉ có 0,04% - 0,07% dân số thuộc nhóm máu Rh (-), được coi là nhóm máu hiếm theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Truyền máu quốc tế. Người mang nhóm máu hiếm vẫn sống và làm việc bình thường như mọi người khác, nhưng họ phải đối mặt với một số rủi ro nhất định như: khó khăn trong việc tìm máu phù hợp khi cần truyền máu; nguy cơ bất đồng nhóm máu khi mang thai, có thể dẫn đến các biến chứng như thai lưu, sảy thai, sinh non; trẻ sơ sinh có thể gặp các vấn đề như thiểu năng trí tuệ, vàng da, tán huyết nếu có bất đồng nhóm máu với mẹ.

Để giảm thiểu rủi ro, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên làm xét nghiệm xác định nhóm máu càng sớm càng tốt. Các cặp vợ chồng cũng cần kiểm tra nhóm máu trước khi có kế hoạch sinh con để sinh con khỏe mạnh, an toàn. Những người mang nhóm máu hiếm nên tham gia các hội nhóm hỗ trợ để được giúp đỡ khi cần thiết.

Đối với phụ nữ mang nhóm máu hiếm, không cần quá lo lắng khi mang thai. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, họ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con an toàn nhiều lần, miễn là tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp thai phụ có nhóm máu Rh (-) và thai nhi có nhóm máu Rh (+), bác sĩ sẽ chỉ định tiêm 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh vào tuần thai thứ 28 và trong 72 giờ sau khi sinh.

5 trẻ nhập viện vì đuối nước, 4 trẻ nguy kịch vì sơ cứu sai cách
"Nghịch" từ trong bụng mẹ, bé gái chào đời với dây rốn quấn thắt nút ở tay và quanh người
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động