Thứ năm 28/03/2024 19:52

Chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, sáng 14/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn", với sự đồng hành của Tập đoàn Netcore.
Chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó!
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân phát biểu tại diễn đàn.

Sự kiện có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông.

Tại toạ đàm, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định "chân lý" không thể bàn cãi: "không chuyển đổi số thì mất độc giả".

Tổng biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nêu, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Nhiều cơ quan cho rằng, đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

Ông Lê Quốc Minh phân tích, chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.

Để đáp ứng và theo kịp xu hướng chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ sáng tạo nội dung, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược và tiêu chí cơ quan mong muốn.

Chuyển đổi số không phải khi đạt được 1 chu kỳ sẽ dừng lại mà phải liên tục đổi mới không ngừng. Thậm chí, cả các cơ quan chủ lực cũng mới chỉ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu, cần có những chiến lược cụ thể hơn. Chỉ khi có chiến lược tốt thì quá trình thực hiện mới thực sự đạt được những kết quả quan trọng.

Để chuyển đổi số cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai, thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số thì quá trình này mới có thể thành công.

Cùng quan điểm, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, bày tỏ, bạn đọc lên mạng, sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Vì vậy, báo chí muốn lên mạng thì cần phải chuyển đổi số.

Về giải pháp chuyển đổi số, ông Trung chia sẻ kinh nghiệm của báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh, có thể áp dụng 3 phương án: Tuyển người để có lực lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài, ba là lực lượng tại chỗ phối hợp với thuê bên ngoài.

Ông Trung nhận định, đa số nhà báo chưa được phổ cập và đào tạo kỹ năng công nghệ để có thể làm báo theo xu hướng mới... Và, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí: “Tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của các cơ quan báo chí nên đương nhiên phải được bảo vệ, không xâm phạm lẫn nhau”.

Chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó!

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh: "Muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí"

Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh bày tỏ, khi một tác phẩm vừa đăng tải ngay lập tức đã bị phân tán, chia sẻ khắp nơi, như vậy các cơ quan báo chí sẽ không thể đủ nguồn lực để đầu tư làm ra các sản phẩm báo chí có chất lượng, mang bản sắc riêng.

Các báo cần cam kết bảo vệ bản quyền để mỗi báo thể hiện các tác phẩm theo các bản sắc khác nhau, như vậy, các báo sẽ chạy đua để nâng cao chất lượng thay vì số lượng.

Trong khi đó, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc VTV, cho hay, cũng từng gặp phải câu chuyện một số người bảo thủ từ chối chuyển đổi số. VTV quyết định tinh giản bộ máy, quyết tâm "khán giả ở đâu chúng tôi ở đó, khán giả xem bằng hình thức nào chúng tôi cung cấp hình thức đó", nhất quyết đi theo con đường chuyển đổi số.

Đại diện Vietnamplus, ông Nguyễn Hoàng Nhật góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách cho phép các cơ quan báo chí "xé rào" để chuyển đổi số.

Ông Nhật cho biết, bởi những ràng buộc của cơ chế chính sách, hiện cơ quan ông muốn đầu tư cho chuyển đổi số đều phải đi đường tắt. Bản thân tòa soạn phải chuyển đổi số, nhưng vẫn giữ nguyên quy định cơ quan báo chí chỉ được tuyển phóng viên, biên tập viên, chứ không có chỉ tiêu tuyển dụng những người làm công nghệ, chuyên viên xử lý dữ liệu…

Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí , Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thanh Lâm nói, trước đây nhà nước hỗ trợ rất lớn để đâu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành… thì Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số.

Ông Phùng Tấn Cường, Phó giám đốc Quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore, cho biết, công nghệ số sẽ giúp các cơ quan báo chí có được những công cụ để tương tác chủ động với độc giả của mình và hiểu độc giả của mình ở một mức độ sâu sắc để phục vụ tốt nhất bạn đọc và kết nối được với khách hàng quảng cáo rất tốt

Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động