Thứ năm 25/04/2024 20:22

Chuyện cô Phương đại sứ nghề: Sự học, quan trọng ở thái độ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong năm 2021, Việt Nam có 3 nữ đại sứ nghề đầu tiên. Trong đó, Nhữ Thị Phương không chỉ ở vai trò “đại sứ”, còn ở vai trò một người thầy. Tôi gặp Phương những ngày Hà Nội vắng vẻ vì áp dụng các biện pháp phòng dịch, trong một không gian vắng nhưng cô giáo Phương lại vô cùng bận rộn…
Chuyện cô Phương đại sứ nghề: Sự học, quan trọng ở thái độ
Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương cũng đồng thời ở vai trò một người thầy luôn tâm huyết, sáng tạo. Ảnh: Hà An

Đường đã đi, càng khó khăn càng trân trọng giá trị của thành công

Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương hiện là giảng viên môn Nghiệp vụ nhà hàng và Nghiệp vụ pha chế đồ uống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Cũng từng ước mơ vào ĐH, nhưng nhiều “cơ duyên” đã rẽ Phương sang một hướng đi mới. Mà hiện tại mỗi khi nhớ lại, Phương đều cho rằng đó là mối lương duyên của cô với đào tạo nghề.

Yêu thích du lịch, nên Phương quyết định đăng ký học nghề Quản trị khách sạn của Trường CĐ Du lịch Hải Phòng. Cô chia sẻ rằng: “Lúc đó tôi chọn nghề nghiệp cũng qua một vài lí do. Đầu tiên là chọn nghề để làm, để kiếm kế sinh nhai. Sau đó cũng nghĩ rằng mình thích nghề này, nên đăng ký học”.

Gọi là cơ duyên, nhưng đến với nghề có thể do duyên, theo dược nghề phải là sự kiên trì. Đó là nhiều cố gắng để giữ mối lương duyên đấy.

Phương từng kể rằng, bài học kỹ năng nghề đầu tiên mình được học là trải khăn bàn và gấp khăn ăn. Chỉ đơn giản là chiếc khăn vuông nhưng biến tấu ra vô vàn hình thù khác nhau, vừa giữ gìn vệ sinh cho khách vừa trang trí bàn ăn cực đẹp.

Phương cũng bắt đầu bằng rất nhiều việc nhỏ, phải làm đi làm lại rất nhiều lần: Bưng bê, rửa đĩa bắt, cầm khay, cầm đĩa sao cho không vỡ, sao cho thật đúng chuẩn. Rồi tập thái thịt bò, tập thái đều tăm tắp từng miếng vốn là điều chẳng dễ dàng gì, chưa kể cả việc phải tập nhận biết mùi rượu (sau này đó là một phần trong bài thi tay nghề quốc tế mà Phương tham dự…) Trải qua nhiều tập luyện, tỉ mỉ từng chút, mỗi việc thành công Phương coi như đó là niềm vui, rằng mình đã vượt qua được chính bản thân.

Học hỏi không ngừng, hết học ở trường, thời gian ở nhà lại luyện tập, sau 3 năm học nghề, Phương vượt qua các kỳ thi kỹ năng nghề cấp trường, cấp thành phố, quốc gia. Sau đó được chọn thi tay nghề ASEAN, tay nghề thế giới.

Chuyện cô Phương đại sứ nghề: Sự học, quan trọng ở thái độ
Cô Nhữ Thị Phương tại Hội thi tay nghề thế giới tại Đức năm 2013

Phương giành giải Nhì Kỳ thi tay nghề Quốc gia năm 2012, cũng trong năm đó tại Indonesia, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề ASEAN. Năm 2013 tại Đức, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.

Đến giờ trên tường quán café nhỏ nơi Phương giành nhiều tâm huyết cho nghề nghiệp cũng vẫn treo những tấm ảnh và thẻ dự thi hồi Phương ở Đức. Một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp, tóc búi cao, khuôn mặt ngời sáng sự tự tin đang vững vàng ở trường thi có nhiều thí sinh xuất sắc trên toàn thế giới.

Thế nhưng khi nói về những thành tích của mình, Phương chỉ khiêm tốn cho rằng đó là những trải nghiệm giúp mình trưởng thành hơn. “Thành tích là kết quả của sự cố gắng, Phương trân trọng điều đó vô cùng, nhưng thành tích cũng là để mình cố gắng hơn, cố học hỏi hơn”.

Làm thầy, lại càng chú ý hơn đến thái độ học

Tốt nghiệp CĐ Du lịch Hải Phòng năm 2012, Phương được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Dù lúc đó, những cơ hội nghề nghiệp với Phương rất rộng mở, nhiều vị trí mời gọi, nhưng Phương tâm niệm rằng bản thân đã được nhà trường, nhà nước tạo điều kiện để rèn luyện và phát triển bản thân, phát triển kỹ năng nghề toàn diện. Nếu chỉ làm cho một cơ sở, doanh nghiệp thì sẽ không phát huy hết được những gì đã học hỏi của ở các chuyên gia. Và sẽ khó để truyền đạt những kiến thức cho các thế hệ nối tiếp.

Trong những ngày làm các trường học chưa thể học trực tiếp vì dịch bệnh, cô Phương lại bận rộn hơn. Bởi cô Phương phải tập trung xây dựng những bài giảng điện tử, các video clip thực hành. Phương rất tỉ mẩn. Khi pha chế đồ uống, Phương chú ý đến tầng lớp, màu sắc, đến nguyên liệu. Cách làm việc của cô Phương cũng rất chỉn chu. Mỗi bài giảng, mỗi video và Phương dựng cũng phải được chau chuốt lỹ lưỡng. Với Phương, làm nghề, phải để tâm vào đó. Với sự nghiệp giáo dục và ở vai trò của người thầy cũng vậy: Không thể à uôm cho có, phải chỉn chu, cẩn thận, phải đặt vào đó tâm huyết và sự sáng tạo của mình.

Chuyện cô Phương đại sứ nghề: Sự học, quan trọng ở thái độ
Trong dạy học, cô Phương luôn chú trọng thực hành, chỉn chu trong từng bài giảng. Ảnh: Hà An

Phương cũng dạy thêm ở một vài trung tâm nghề nghiệp. Học viên của cô đa dạng tuổi tác, trình độ, nhận thức, nhưng cô Phương rất kiên nhẫn. Mỗi lứa tuổi, mỗi lớp học, cô đều chọn cách phương pháp giảng dạy phù hợp. Với cô, việc dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà việc dạy đi kèm với đó là truyền đạt những thái độ học tốt. Và chính cô, qua nhiều lớp học cũng tự học hỏi và hoàn thiện kỹ năng của mình.

Phương pháp giảng dạy của cô Phương là luôn luôn thực hành. Thực hành tại lớp và thực hành tại các cơ sở thực tế để học sinh có sự so sánh, từ đó đưa ra các giải pháp giúp cho quá trình làm nghề được hiệu quả hơn. Phương cũng là cầu nối giúp các doanh nghiệp lựa chọn được những sinh viên có tay nghề cao vào làm việc và trả lương xứng đáng.

Nhìn Phương trẻ như vậy, không mấy ai nghĩ rằng, học trò của cô có nhiều người sau khi ra trường làm vị trí quản lý, điều hành tại các nhà hàng, khách sạn, hoặc tự kinh doanh các cửa hàng đồ uống.

Chuyện cô Phương đại sứ nghề: Sự học, quan trọng ở thái độ
Nhìn cô Phương trẻ như vậy, không mấy ai nghĩ rằng, học trò của cô có nhiều người sau khi ra trường làm vị trí quản lý, điều hành tại các nhà hàng, khách sạn. Ảnh: Hà An

Phương luôn nói với học viên của mình rằng: “Để học và hành nghề tốt trong thời buổi xã hội hiện đại cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức và kỹ năng các bạn có thể rèn luyện và học tập. Nhưng quan trọng nhất chính là thái độ, sự cầu tiến, chịu khó học hỏi, rèn luyện và không sợ khó, không sợ khổ.”

Phải có thái độ học tập tốt mới theo được nghề hay bất cứ công việc nào khác. Không chỉ nghề du lịch, quản trị khách sạn, mà bất cứ nghề nào cũng có khó khăn vất vả riêng, cũng có niềm vui riêng. Nếu ngay từ lúc tiếp cận, thái độ của người học đã thiếu sự kiên trì, thì rất khó khăn để đi lâu dài với nghề được.

Sau giờ giảng dạy trên lớp, cô Phương lại đến quán cà phê của mình để lo việc kinh doanh. Quán cà phê vừa phục vụ khách, vừa là nơi cô Phương đào tạo học sinh của mình. Cô dạy môn pha chế đồ uống theo hướng truyền nghề, dạy sau đó cho học sinh thực hành và giới thiệu việc làm sau khi học xong.

Với cô Phương, dù đã ở vai trò người thầy, cô cũng không bao giờ ngừng lại sự học hỏi…

Năm 2021, tại Diễn đàn quốc tế về tương lai Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid và cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đã trao Quyết định bổ nhiệm 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021. Trong số 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam mới được bổ nhiệm có 3 Đại sứ là nữ.

“Trở thành đại sứ nghề khiến bản tôi càng ý thức được trách nhiệm trong việc quảng bá những điều tích cực, làm tốt hơn vai trò người thầy trong giáo dục nghề nghiệp đến với thế hệ trẻ” – Cô Phương nói.

Hà An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động