Thứ sáu 22/11/2024 11:32

Chủ nợ giả mạo người nhà học sinh: Không thể có chuyện "quýt làm cam chịu"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc các đối tượng đòi nợ liên tiếp giả làm người nhà học sinh để đòi đón, đưa học sinh về nhà... đang khiến dư luận rất bức xúc và lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể để câu chuyện "quýt làm cam chịu" này tiếp tục xảy ra... bởi đó là một hành vi vô lý và trái pháp luật.
Chủ nợ giả mạo người nhà học sinh: Không thể có chuyện
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc các đối tượng chủ nợ giả mạo người nhà học sinh nhờ đưa học sinh về sớm

Chiêu trò chủ nợ giả mạo người nhà học sinh

Trong khi dư luận đang xôn xao, bức xúc vì câu chuyện các đối tượng đòi nợ đã mạo danh người nhà để gọi điện cho cô giáo trường Tiểu học Phan Đình Giót (Hà Nội) để đòi đón học sinh, thì tiếp đó, lại có thông tin về việc một đối tượng đòi nợ mạo danh người nhà học sinh nhờ cô giáo đưa học sinh về nhà diễn ra tại Thái Nguyên.

Theo đó, sáng 21/9, một giáo viên của trường Đội Cấn 1, P. Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người gọi xưng là dì của em N. ( là học sinh do giáo viên này làm chủ nhiệm) nói, bố cháu bị tai nạn, đang hấp hối. Gia đình đang rất bối rối, không có ai đến đón cháu được nên nhờ cô đưa cháu về giúp để cho cháu nhìn mặt bố lần cuối.

Để xác minh thông tin, cô giáo gọi điện về cho mẹ của học sinh nhưng chưa liên hệ được. Nghĩ gia đình đang có việc gấp, cô vội vàng đưa cháu về nhà. Khi cô giáo đến nhà, chị P. (phụ huynh của học sinh) rất sốc khi đang ở nhà, chưa hết giờ học mà thấy cô giáo đưa cháu về và kể lại sự việc như trên.

Chị P. cũng tường thuật lại, trước đó vài ngày, chị có nhận được tin nhắn đòi nợ, nhưng vì trong tin nhắn không nói rõ “chủ nợ” là ai, khoản vay là bao nhiêu, nghĩ là tin nhắn nhầm nên chị cũng không phản hồi lại. Sau đó, đối tượng tiếp tục nhắn với nội dung đe dọa, nói rõ thông tin cá nhân của các con chị, và dọa sẽ cho các cháu nghỉ học. Lúc này, chị vẫn chưa tin vì không có chuyện nợ nần của bố mẹ mà con phải nghỉ học. Và sau đó, sự việc xảy ra như trên. Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn đặt bình gas, đe dọa sẽ đốt trường, hoặc mạo danh giáo viên đặt đồ ăn, bánh sinh nhật… để nhằm hạ uy tín giáo viên.

Liên quan đến vụ việc xảy ra ở Trường tiểu học Phan Đình Giót, nhà trường cho biết hiện học sinh đã đi học bình thường. Các đối tượng cũng đã dừng gọi điện quấy rối hay đăng tải những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội nữa. Bên cạnh đó, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. Một lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết vụ việc đã được báo cáo lên Công an TP Hà Nội.

Bước đầu, xác định sự việc này xuất phát từ việc vay tiền qua các ứng dụng (app). Đối tượng được xác định cư trú ở TP HCM.

Chủ nợ giả mạo người nhà học sinh: Không thể có chuyện
Tin nhắn đe dọa của đối tượng mạo danh

Không thể có chuyện “quýt làm cam chịu”

Về câu chuyện này, anh Nguyễn Anh Tuấn (Long Biên) cho rằng, đây là một dạng “quýt làm cam chịu”, việc này tuyệt đối không thể để xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào. Nhất là khi đem những đứa trẻ ra để đe dọa hoặc tạo áp lực lại càng vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp. "Người vay nợ đại đa số là những người đã đủ tuổi trưởng thành và chịu trách nhiệm cho việc làm của mình, vậy thì không có lý nào người thân, người quen lại phải có trách nhiệm trả nợ thay. Luật nào cho phép như thế, đạo lý nào phi lý vậy " – anh bức xức.

Cũng đồng quan điểm không thể bắt người khác có trách nhiệm trả nợ thay, anh T.T.P (Cầu Giấy) - nhân viên một ngân hàng cho biết, theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân thì cá nhân người vay chịu trách nhiệm, không liên quan đến người thứ hai, trừ trường hợp người đó ký đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó.

“Thường các bản hợp đồng ký kết vay nợ sẽ phần cuối thường nêu rõ "Hợp đồng này được điều chỉnh theo luật pháp của Việt Nam". Như vậy, kể từ ngày khách hàng ký vào bản hợp đồng đó thì tất cả những nội dung nào không phù hợp và trái pháp luật sẽ phải điều chỉnh theo pháp luật của Việt Nam.

Với những hành vi cố ý vi phạm pháp luật, như quấy rối điện thoại, đe dọa hay bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm trên mạng xã hội… nạn nhân hãy ghi âm, thu thập chứng cứ để gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và Ngân hàng nhà nước. Nếu có thiệt hại đến công việc, uy tín, danh dự, sức khỏe..., có quyền yêu cầu bồi thường, thậm chí yêu cầu hoàn trả lại số tiền mà các công ty tài chính, ngân hàng thương mại liên quan đã thu sai, thu trái quy định của pháp luật..." – anh P. nói.

Nhằm nâng cao cảnh giác và tránh những câu chuyện tương tự, UBND quận Thanh Xuân cũng yêu cầu UBND 11 phường phối hợp với các trường tập trung tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh và Nhân dân cùng thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận hướng dẫn các trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để đảm bảo an toàn cho cá nhân và nhà trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phối hợp với Công an quận kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự các trường học thuộc quận; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND quận các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh...

Đồng thời để ngăn chặn và lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, các trường cần thực hiện một số biện pháp nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức tại trường cũng như trong cộng đồng; kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt vào các giờ cao điểm, giờ đưa đón học sinh, tránh để người lạ trà trộn vào trường và khu vực cổng trường. Đặc biệt, cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc đón trẻ tại trường, lớp an toàn, trật tự.

Để tránh những vụ việc xảy ra như trên, trước đó Bộ Công an đã ra khuyến cáo, để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Và khi gặp phải những trường hợp bị đòi nợ mặc dù không vay tiền, Bộ Công an cũng chỉ dẫn, cụ thể: Cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng); Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.

Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Ngoài ra, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Nghe cuộc gọi giả mạo Công an, cô gái trẻ mất hơn 300 triệu đồng
Giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt 4,3 tỉ đồng
Vụ chủ nợ mạo danh người nhà học sinh: Có dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động