Cho vay tín chấp đối với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế “tín dụng đen”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, có thể tiến tới cho vay tín chấp đối với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế “tín dụng đen”. Ảnh: Quốc hội |
Phát hiện gần 1.000 vụ liên quan đến tín dụng đen
Liên tiếp trong tháng 10, Công an TP Hà Nội đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đánh bạc. Các ổ nhóm này hoạt động chủ yếu bằng phương thức cho vay “nóng” để đáo hạn ngân hàng hoặc vay vốn làm ăn bằng cách bốc bát họ.
Mức lãi suất của các đối tượng này cho vay lên đến 109,5%/năm đến 146%/năm, vượt quá rất nhiều lần so với mức lãi suất theo quy định cho vay của nhà nước.
Thực tế, mặc dù liên tục triệt phá, nhưng những tổ chức tín dụng đen này vẫn phát triển, có đất sống bằng nhiều hình thức cho vay khác nhau. Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, năm 2022, Cục đã phát hiện gần 1.000 vụ (1.600 đối tượng) liên quan đến "tín dụng đen".
Thực tế, hiện tín dụng đen không chỉ "vẫn còn đất sống", mà hình thức cho vay nặng lãi ngày càng đa dạng hơn. Từ những mẩu giấy dán cột điện, thân cây đến những tờ rơi "hỗ trợ tài chính" được công khai phát ở một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Và thậm chí là sử dụng công nghệ thông tin để cho vay nặng lãi. Phổ biến nhất là vay tiền qua app.
Biết rằng dính vào tín dụng đen sẽ rất khó chi trả, thậm chí nhiều người đã chịu cảnh tán gia bại sản bởi tín dụng đen nhưng người dân vẫn nhắm mắt… vay bừa để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Lý giải tại sao người dân lại dễ dàng mắc bẫy tín dụng đen đến thế, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh trên thị trường hiện nay rất “nóng”. Thế nhưng, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng, do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp.
Trong khi đó, điều kiện cho vay của các đường dây "tín dụng đen" rất đơn giản, không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn. Vậy nên, người tham gia vay tiền biết rõ mức lãi suất cao, khả năng hoàn trả không dễ dàng... Song do túng bấn, lại thấy thủ tục quá dễ dàng nên đã ký vào các hợp đồng vay tiền.
Cho vay tín chấp với những khoản vay nhỏ lẻ để hạn chế “tín dụng đen”
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) cho biết, sau một thời gian bị kìm nén thì hiện nay “tín dụng đen” vẫn còn đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở thành thị, thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội.
“Xin Thống đốc cho biết đâu là nguyên nhân cơ bản của vấn đề này? “Tín dụng đen” có thể xóa sổ được không để góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân?” - đại biểu Huỳnh Thanh Phương hỏi.
Trả lời tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, “tín dụng đen” là một vấn đề được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Công an cùng với các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai quyết liệt, nhiều giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 năm 2019 và Công điện số 766 để thúc đẩy, triển khai, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ở các kênh chính thức để hạn chế tín dụng đen. Về phía Ngân hàng Nhà nước, đã ban hành Quyết định 1178 để ban hành kế hoạch để triển khai hành động, trong đó đã tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, làm sao tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức, chẳng hạn như có thông tư quy định về việc cấp tín dụng của các công ty tài chính và công ty tài chính tiêu dùng.
Đối với thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi để theo hướng có thể cấp tín dụng thông qua các phương tiện điện tử, tạo thuận lợi cho người dân.
“Trong thời gian qua, Bộ Công an chủ trì và Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực tổ chức nhiều hội nghị về ngăn ngừa “tín dụng đen”. Đặc biệt, Bộ Công an đã tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia và Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp, có ký kết kế hoạch với Bộ Công an để có thể thúc đẩy các tổ chức tín dụng tham gia vào kết nối với hệ thống dữ liệu, để có thể là tiến tới cho vay tín chấp đối với những khoản cho vay nhỏ lẻ, từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận tín dụng và hạn chế “tín dụng đen” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Trong thời gian tới, Thống đốc cho rằng, các cấp, các ngành cần cùng chung tay vào để giảm vấn nạn này. UBND các cấp và các tổ chức chính trị xã hội cần nắm bắt thông tin người dân có nhu cầu vốn có thể tiếp cận những kênh chính thức và hạn chế cho người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng phải tiếp cận “tín dụng đen”. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, có kênh tín dụng để tiếp cận và không tiếp cận với nguồn “tín dụng đen” ở bên ngoài.
Thực tế, vấn đề về tín dụng đen đã rất nhiều lần bản thảo trong các kỳ họp Quốc hội, trước đó, trong các kỳ họp trước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đã nhận định, việc đòi nợ của các tổ chức tín dụng đen là rất tàn khốc.
Từ thực tế công việc phòng, chống và ngăn ngừa nạn tín dụng đen, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng, tránh. Các cơ quan tố tụng Trung ương khẩn trương tổng kết những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật để xử lý đối với hành vi này, đồng thời kiến nghị Quốc hội sửa các quy định pháp luật có liên quan.
Cuối cùng, đại biểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ, với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi để giúp cho những người dân có nhu cầu tiếp cận được với các khoản tín dụng này.
Nữ giám đốc đi vay tiền với lãi suất hơn 100%/năm | |
Nhóm tổ chức đánh bạc, cho vay lãi nặng đối diện mức án nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại