Nhóm tổ chức đánh bạc, cho vay lãi nặng đối diện mức án nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng trong nhóm của Vũ Sinh Lợi. Ảnh: CQCA |
Số tiền đánh bạc khủng
Ngày 24/10, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm đối tượng trong đường dây đánh bạc, cho vay nặng lãi với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, nhóm bị can bị khởi tố, gồm: Vũ Sinh Lợi (SN 1982), Nguyễn Chí Tỉnh (SN 1989), cùng ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội và Đỗ Hoài Nam (SN 1991 trú tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cùng một số đối tượng khác về các tội: “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trước đó, ngày 12/10, Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hà Nội, tổ chức khống chế, bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Vũ Sinh Lợi cùng 14 đàn em, đồng thời đưa về trụ sở CQCA để đấu tranh, làm rõ.
Căn cứ tài liệu điều tra cùng lời khai của các đối tượng, CQCA xác định, khoảng năm 2021, do không có nghề nghiệp, lại cần tiền tiêu xài nên Vũ Sinh Lợi bàn với Nguyễn Chí Tỉnh cùng nhau góp vốn nhận các số lô, đề hoặc giao các tài khoản cá độ bóng đá, tài khoản lô, đề trên mạng Internet cho khách có nhu cầu chơi. Lợi và Tỉnh thống nhất cho Tỉnh là người quản lý, điều hành, giao dịch việc đánh bạc với khách chơi.
Hàng tuần, Tỉnh thông báo cho Lợi biết số tiền thắng thua qua nhóm Zalo, Telegram. Lợi sẽ chịu trách nhiệm 20% tổng tiền thắng thua với khách, Tỉnh chịu trách nhiệm số tiền còn lại. Để che giấu hành vi phạm tội, Tỉnh dùng nhiều số điện thoại "sim rác", đăng ký nhiều tài khoản trên các ứng dụng mạng xã hội khác nhau để nhận các số lô, đề hoặc trao đổi các nội dung liên quan đến hoạt động đánh bạc.
Hàng ngày, sau khi thanh toán, chốt tiền thắng thua, Lợi, Tỉnh và các đối tượng liên quan sẽ xóa hoặc thu hồi tin nhắn liên quan đến hoạt động bài bạc. Quá trình điều tra, bước đầu Phòng CSHS xác định, Lợi và Tỉnh đã tổ chức đánh bạc dưới hình thức giao tài khoản cá độ bóng đá cho đối tượng Đỗ Hoài Nam và các đối tượng khác với số tiền giao dịch mỗi ngày từ 1-2 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, đề với số tiền khoảng 500 triệu đồng/ngày…
Ngoài hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Chí Tỉnh còn cho nhiều người dân tại địa phương vay tiền với mức lãi suất "cắt cổ", từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày. Từ khoảng năm 2021 đến nay, Tỉnh đã cho hơn 200 khách vay với tổng số tiền khoảng hơn một tỷ đồng. Khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc của Vũ Sinh Lợi, Nguyễn Chí Tỉnh, Đỗ Hoài Nam, lực lượng CA đã thu giữ 10 điện thoại di động các loại, 1 iPad, 1 máy tính xách tay, 3 gậy bóng chày, 2 gậy ba khúc, 1 túi nilon bên trong có chứa tinh thể rắn nghi là ma túy, 9 vật nghi là đạn và 4 vật nghi là vỏ đạn, trên 370 triệu đồng và một số giấy tờ, sổ sách khác. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Có thể đối mặt với hình phạt nào?
Luận bàn về vụ án này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi cá cược, sát phạt, ăn thua bằng tiền. Người thực hiện hành vi cá cược, sát phạt, ăn thua bằng tiền trái pháp luật được xác định là hành vi “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc trái phép”, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 322 của BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, hành vi đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc”. Còn đối với các đối tượng tổ chức đánh bạc cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Như vậy, hành vi đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông để đánh bạc, các đối tượng trong vụ việc này có thể bị xử lý với hình phạt là phạt tù từ 3 đến 7 năm. Còn đối với tội tổ chức đánh bạc, với số tiền lớn như trên, các đối tượng có thể đối mặt với hình phạt cao nhất của tội danh là 10 năm tù.
Luật sư Nguyên cũng cho biết, trên cơ sở điều tra ban đầu, các đối tượng cho nhiều người dân tại địa phương vay tiền với mức lãi suất "cắt cổ", từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày “Bởi vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng vi phạm. Trên cơ sở xem xét, điều tra cũng như những yếu tố khách quan, chủ quan hoặc vai trò từng đối tượng, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để làm rõ, xử lý" - luật sư Nguyên phân tích.
Luật sư Nguyên viện dẫn thêm, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tùy mức thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng mà khung hình phạt tội này có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại