Thứ bảy 23/11/2024 07:07

Chiều nay (28/5), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều nay (28/5), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Chiều nay (28/5), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật.

Đồng thời, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác.

Theo Dự thảo Luật, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Chiều nay (28/5), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Trước đó, trao đổi với phóng viên bên hành lang Kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhìn nhận, về cơ bản, dự thảo Luật đã có những thay đổi căn bản và có tính đột phá, với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường vẫn cho rằng, cần trao quyền cho Thủ đô được ban hành các quy định ở mức tiên tiến hơn.

"Có một số những yếu tố đến nay vẫn kìm hãm sự phát triển của Thủ đô, điển hình là cải tạo, chỉnh trang đô thị, nếu như sử dụng những cơ chế thông thường thì không thực hiện được, mà cần phải có sự đột phá riêng của Thủ đô, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội như sông Hồng và một số dòng sông khác” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Ông phân tích, khi duy trì các quy định như hiện nay là theo điều chỉnh của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, thì các dòng sông Hà Nội sẽ tiếp tục bị để hoang hóa giống như các dòng sông của các tỉnh khác. Trong khi đó, ở thủ đô các nước, các dòng sông đi qua sẽ là nơi tạo ra bộ mặt chính của đô thị. Vì vậy, phải có cơ chế đặc thù riêng cho việc khai thác tiềm năng như quản lý sông, hồ trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến phân bố hoạt động về sản xuất giữa Thủ đô với các khu vực.

Theo ông, Thủ đô bao giờ cũng phải là nơi được lựa chọn tập trung đầu tư các yếu tố trình độ phát triển cao nhất, tinh túy nhất, còn những gì mang tính chất gây ra những yếu tố như ô nhiễm, tạo ra sức ép về nhân lực, thì thường phải phân bố ra bên ngoài.

Song, hiện nay, chưa có quy định trong việc sàng lọc, lựa chọn các hoạt động đầu tư vào trong trong không gian, địa phận của Thủ đô. Do vậy, những vấn đề như xử lý rác thải, vấn đề liên quan đến môi trường, nghĩa trang đô thị... luôn tạo sức ép cho đô thị Hà Nội. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, những cái này phải phân tán ra ngoài chứ không phải tập trung vào Thủ đô...

Truyền thông về vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển Truyền thông về vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển
Thu hút người tài nhưng phải có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc Thu hút người tài nhưng phải có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động