Thứ bảy 17/08/2024 20:07

“Chìa khóa vàng” cho xây dựng đường sắt Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 giao thông Thủ đô sẽ có 300km đường sắt đô thị (ĐSĐT, với Luật Thủ đô 2024 có thể xem như đã trao cho Hà Nội một chiếc “chìa khóa vàng”...
“Chìa khóa vàng” cho xây dựng đường sắt Thủ đô

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác

Ảnh: Thanh Hải

Thúc đẩy đường sắt đô thị

Metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Hà Nội đã đưa tuyến ĐSĐT (metro) Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại. Thách thức lớn nhất đối với xây dựng ĐSĐT Hà Nội về nguồn vốn, cơ chế chính sách, trình tự, thủ tục đầu tư... Đến nay Luật Thủ đô 2024 là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy ĐSĐT, TOD phát triển.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, thành viên Tổ soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết: Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua có thể xem như Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc ‘chìa khóa vàng”, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là ĐSĐT như: Luật Thủ đô mới, tại khoản 1 Điều 37, Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND TP Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô. Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là ĐSĐT.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: ĐSĐT; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; Dự án sử dụng ngân sách T.Ư, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao TP Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.

Tại khoản 1 Điều 38, Luật Thủ đô (sửa đổi) tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Đồng thời, khoản 2 Điều 38 cũng nêu rõ, căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quyết định đầu tư là căn cứ để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất. Đây là điểm mấu chốt gỡ nút thắt GPMB vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội. TP có thể chủ động hoàn toàn trong GPMB cũng như thời điểm thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhận định, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng ĐSĐT là nguồn lực tài chính. Mà nguồn lực tài chính lớn nhất là giá trị tăng thêm từ đất đai gắn liền ĐSĐT, có thể khai thác được thông qua “công cụ” TOD. Để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, trên toàn hệ thống metro, Hà Nội đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và những thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho rằng: “Để Thủ đô có 300km ĐSĐT vào năm 2035, cần phải có cách tiếp cận riêng về cơ chế, chính sách và cách thức triển khai dự án. Rút kinh nghiệm từ 2 tuyến metro trước đây, các tuyến sau này phải làm cùng một công nghệ. Có như vậy mới đảm bảo tiến độ đề ra, đồng thời hy vọng khoảng 15 - 20 năm nữa chúng ta có ngành công nghiệp phụ trợ metro”.

Lộ trình thực hiện

“Chìa khóa vàng” cho xây dựng đường sắt Thủ đô

Dự kiến, sau khi đưa vào khai thác, hệ thống ĐSĐT có khả năng vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt khách/ngày, chiếm 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm và khoảng 20% ở khu vực ngoại ô. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Quản lý ĐSĐT đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư; phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 3, số 5, số 22); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Dự kiến nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau năm 2030, ĐSĐT đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD. Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km ĐSĐT các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.

Đến năm 2045 hoàn thành xây dựng 196,2km bổ sung theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh, gồm tuyến số 1 Gia Lâm - Lạc Đạo (kéo dài đoạn Dương Xá đến Lạc Đạo); tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt); tuyến 1A (Ngọc Hồi - Sân bay thứ 2 phía Nam); tuyến số 9 (Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá); tuyến số 10 (Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa); tuyến số 11 (Vành đai 2 - trục phía Nam - Sân bay thứ 2 phía Nam); tuyến số 12 (Xuân Mai - Phú Xuyên). Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư khoảng 55,442 tỷ USD, trong đó, giai đoạn đến năm 2030 cần khoảng 16,208 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2035 cần khoảng 20,966 tỷ USD và giai đoạn đến năm 2045 cần 18,268 tỷ USD.

Người dân xếp hàng từ sáng sớm chờ trải nghiệm tàu Metro Nhổn - Ga Hà Nội
Rộng mở lối đi cho đường sắt đô thị Hà Nội
Nguyễn Vũ- Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động