Thứ ba 30/04/2024 03:19

Câu chuyện hòa giải: rượu làm hỏng hôn nhân…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tham gia công tác hòa giải mới được 3 năm nhưng ông Luyện Văn Dũng (67 tuổi) - Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 14 phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) đã hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn. Câu chuyện dưới đây ông Dũng chia sẻ với PV ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị) là một trong những vụ việc điển hình.
Mặc dù mới chỉ có 3 năm “tuổi nghề”, nhưng ông Luyện Văn Dũng (bên phải) đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những vụ việc xích mích giữa hàng xóm láng giềng, vợ chồng… Ảnh: Minh Phong
Mặc dù mới chỉ có 3 năm “tuổi nghề”, nhưng ông Luyện Văn Dũng (bên phải) đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những vụ việc xích mích giữa hàng xóm láng giềng, vợ chồng… Ảnh: Minh Phong

Anh Thắng và chị Hải cưới nhau được 10 năm, sinh được 1 con trai và 1 con gái. Gia đình anh chị hiện sinh sống tại tổ dân phố 14 phường Phúc La. Sau khi cưới nhau, được sự hỗ trợ của hai bên gia đình và vì chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình tương đối khá giả. Cuộc sống của gia đình anh chị rất hạnh phúc, là niềm mơ ước của nhiều người.

Nhưng thời gian gần đây, vì ham vui và cả nể với bạn bè nên anh Thắng thường tụ tập uống rượu với bạn bè và hay về nhà muộn. Thời gian đầu thì chị Hải chỉ khuyên nhủ chồng không nên vui quá mà quên trách nhiệm với gia đình. Sau mỗi lần được vợ nhắc nhở, anh Thắng hứa sẽ không bỏ bê gia đình và sẽ có trách nhiệm với gia đình hơn.

Nhưng lời nói gió bay, anh Thắng không những bỏ rượu mà tần suất tụ tập ngày càng nhiều thêm, khiến chị Hải bức xúc. Từ chỗ nhẹ nhàng khuyên bảo chồng, nhưng anh Thắng chẳng thay đổi nên hai vợ chồng thường xuyên căng thẳng, cãi nhau, ảnh hưởng đến những người hàng xóm xung quanh.

Mặc dù, nghĩ đến các con đang trong tuổi vị thành niên, rất cần sự chăm sóc, giáo dục của cả cha mẹ nhưng chị Hải thấy quá mệt mỏi và xấu hổ với hàng xóm nên muốn gửi đơn ly hôn.

Sau khi nhận được đơn, các hòa giải viên đến tận nhà chị Hải nắm bắt sự việc và nhận định đây là mâu thuẫn về lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Thắng uống rượu về muộn, không giúp đỡ vợ, con việc gia đình dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn. Tiếp đến, ông và các thành viên tổ hòa giải đã phân công hòa giải viên tổ chức hòa giải.

Anh Thắng cho rằng, do anh em quý mến nên thường xuyên được mời đến nhà uống rượu góp vui chứ không phải do mình nghiện rượu. Tuy nhiên, chị Hải không hiểu nên sau khi uống rượu say về thì hay đay nghiến chồng, làm anh buồn chán và càng đi uống rượu nhiều hơn.

Chị Hải cho rằng, anh Thắng thường xuyên đi uống rượu về muộn. Nếu anh Thắng mà bỏ tụ tập uống rượu thì chị sẽ bỏ qua hết mọi lỗi lầm của anh Thắng trước đây và không đòi bỏ chồng nữa.

Sau khi nghe hai bên trình bày, đại diện tổ hòa giải giải thích quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quan hệ vợ chồng. Cụ thể, tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”; và Khoản 1 Điều 19 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.

Ngoài ra, tổ hòa giải còn phân tích tác hại của rượu ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: uống rượu bia gây mệt mỏi, giảm trí nhớ, gây kích thích thần kinh, giảm tuổi thọ và làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình…

Ông Dũng cũng phân tích cho chị Hải biết nên thông cảm, chia sẻ nếu anh Thắng thỉnh thoảng có uống rượu vì đó là chuyện vui của người khác khó có thể từ chối, đồng thời phải nhẹ nhàng khuyên răn chồng không nên uống rượu.

Sau khi nghe tổ hòa giải giải thích theo quy định của pháp luật và tâm tư nguyện vọng của chị hải, anh Thắng đã nhận ra việc làm của mình là không đúng, hứa sẽ hạn chế tụ tập uống rượu và phụ giúp vợ làm việc gia đình. Chị Hải cũng đồng ý thỉnh thoảng để anh Thắng thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè uống rượu nhưng phải có chừng mực.

Vụ việc hòa giải thành công tốt đẹp, mâu thuẫn gia đình anh Thắng và chị Hải đã được giải quyết, tổ hòa giải ghi biên bản vụ việc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng –Chủ tịch UBND phường Phúc La khẳng định, xác định hòa giải ở cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội là thiết chế góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, công tác triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường đã được UBND phường Phúc La quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Phúc La trong những năm qua đã dần đi vào nề nếp, đạt được những kết quả đáng khích lệ.

“Ông Luyện Văn Dũng là gương sáng trong công tác hoạt động xã hội tại phường. Với tình cảm và nhiệt huyết dành cho địa phương. Hiện, với cương vị Tổ trưởng Tổ hòa giải, ông Luyện Văn Dũng bằng uy tín của mình, những năm qua đã hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư” – bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Vì sao người vợ quyết đâm đơn ly hôn khi hai vợ chồng sắp lên làm cụ?
Sau thề non hẹn biển là cuộc sống địa ngục gia đình khiến hòa giải viên day dứt khuyên đương sự điều bất ngờ
Hòa giải viên "chuyên" hóa giải những mâu thuẫn gia đình
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động