Thứ sáu 22/11/2024 06:19

Cặp vợ chồng cùng hầu tòa vì nhận hối lộ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Phạm Văn Khang, SN 1983 và Nguyễn Thị Trang, SN 1988, vợ Khang - trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cùng 7 bị cáo khác về tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”.
Cặp vợ chồng cùng hầu tòa vì nhận hối lộ
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng. Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29 -18D ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, trực thuộc Công ty TNHH đăng kiểm xe cơ giới Minh Hưng do Phạm Văn Khang làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đại diện theo pháp luật. Trung tâm bắt đầu hoạt động từ năm 2019. Khi bắt đầu hoạt động đã có tình trạng chủ phương tiện để một khoản tiền trong xe hoặc phải đưa tiền để được bỏ qua lỗi khi đăng kiểm.

Tháng 11/2021, Nguyễn Thị Trang, kế toán Trung tâm, tổ chức cuộc họp với toàn thể lãnh đạo, nhân viên Trung tâm. Tại cuộc họp này, Trang thông báo đã được Phạm Văn Khang ủy quyền để quán triệt áp dụng cách trả lương hàng tháng mới và thực hiện nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm. Trang cũng thông báo việc phân chia khoản tiền đã nhận của chủ phương tiện, người mang phương tiện đến đăng kiểm.

Theo thông báo của Trang, giảm lương hàng tháng của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, nhân viên phục vụ. Đối với khoản tiền nhận từ chủ phương tiện, họ sẽ chia theo tỷ lệ 60% cho vợ chồng Trang, 40% còn lại chia cho lãnh đạo Trung tâm, đăng kiểm viên và các nhân viên. Cụ thể, Trang giao cho Phùng Văn Vui - người tiếp nhận và điều khiển xe đến đăng kiểm từ vị trí phương tiện đỗ chờ đến vị trí đăng kiểm, nhận tiền bên trong hồ sơ đặt trên ghế phụ do chủ phương tiện để sẵn. Nếu xe đã vào vị trí đăng kiểm thì Vui đến mở cửa, lấy tiền trong hồ sơ rồi báo cho Trần Hữu Duyên, cựu Phó Giám đốc, phụ trách Trung tâm và đăng kiểm viên biết để chỉ đạo, thực hiện các thao tác bỏ qua lỗi cho phương tiện. Số tiền nhận được hàng tuần, Vui quản lý và thực hiện chia tiền theo tỷ lệ đã được Khang và Trang thống nhất.

Theo cáo trạng, các lỗi đăng kiểm được bỏ qua gồm chiều cao, chiều rộng thành thùng xe, lốp mòn, đèn, phanh, khí thải, gạt nước… Để bỏ qua lỗi, sau khi chụp ảnh, nhân viên nghiệp vụ của Trung tâm sử dụng phần mềm cắt ghép ảnh, in lên giấy chứng nhận thể hiện phương tiện đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Cơ quan CA xác minh và ghi lời khai của 25 người là lái xe, chủ phương tiện đến đăng kiểm, xác định, họ phải chi số tiền từ 100.000 - 500.000 đồng để được bỏ qua lỗi; tổng số tiền họ đã đưa cho nhân viên, đăng kiểm viên của Trung tâm là 4,5 triệu đồng.

Giữa năm 2021, Phùng Mạnh Hiệp (chủ một gara ô tô) gọi điện cho Khang trao đổi, thống nhất các xe đưa đến gara của Hiệp sửa chữa nhưng vẫn không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm thì không phải đi khắc phục lỗi. Hiệp chỉ cần gọi điện báo cho Khang biết thông tin xe, Khang sẽ chỉ đạo nhân viên thực hiện đăng kiểm. Hiệp phải chi số tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng/xe.

Các cơ quan tố tụng kết luận, tổng số tiền lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ nhận của chủ xe là 750 triệu đồng. Trong đó vợ chồng bị cáo Khang được hưởng 450 triệu đồng; Trần Hữu Duyên được chia 84 triệu đồng, các bị cáo còn lại nhận số tiền từ 12 - 48 triệu đồng. Đến nay gia đình và các bị cáo, nhân viên Trung tâm đã nộp lại toàn bộ số tiền trên.

Do đó, Hội đồng xét xử của TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Khang 5 năm 6 tháng tù; Trang 4 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm 6 tháng tù.

Tuyên án vụ “nhận hối lộ” tại Trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai
Truy nã một đăng kiểm viên về hành vi nhận hối lộ
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động