Cấp phiếu lý lịch tư pháp: Tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông dân thực hiện yêu cầu cấp phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương |
Về vấn đề này, theo Bộ Tư pháp: Luật LLTP quy định phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp, có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý DN, hợp tác xã (HTX) trong trường hợp DN, HTX bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Luật LLTP thì nội dung của phiếu LLTP bao gồm thông tin về nhân thân, tình trạng án tích và thông tin về đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý DN, HTX. Đây là những thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, chỉ được cung cấp trong trường hợp cá nhân có yêu cầu hoặc cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cấp phiếu LLTP để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong trường hợp cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý DN, HTX.
Bên cạnh việc thu thập dữ liệu, thông tin về án tích của người bị kết án, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã giao cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP còn có trách nhiệm ghi nhận việc xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích và cấp phiếu LLTP xác nhận "không có án tích" khi người đó có yêu cầu. Đây là thông tin rất quan trọng, góp phần giúp những người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.
Do đó, việc cấp phiếu LLTP phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt, phải thực hiện tra cứu, xác minh thông tin tại một số cơ quan có liên quan để xác định một người có án tích hay không có án tích, đồng thời phải bảo đảm bí mật đời tư của người yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Điều 44 của Luật LLTP xác định rõ thẩm quyền cấp phiếu LLTP là Trung tâm LLTP Quốc gia và Sở Tư pháp. Trong đó, giao Sở Tư pháp cấp phiếu trong các trường hợp: Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn được giao trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và tra cứu, xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích phục vụ cấp phiếu LLTP.
Việc Sở Tư pháp là cơ quan thực hiện việc quản lý LLTP thống nhất tại địa phương để bảo đảm hoạt động cấp phiếu được thực hiện nhanh chóng, hạn chế khâu trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan như: CA, tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, trại giam để thực hiện việc tra cứu, xác minh thông tin LLTP của cá nhân.
Vì vậy, nếu phân cấp về các đơn vị cấp xã hoặc cấp huyện sẽ gây khó khăn trong việc phối hợp điều tra thông tin cũng như xác minh các điều kiện khác để thực hiện cấp phiếu LLTP. Như Hà Nội hiện nay có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn sẽ tạo ra bước trung gian, tăng biên chế, tăng kinh phí, nguồn lực phục vụ cho công tác này tại cấp xã, phường, thị trấn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, DN trong cấp phiếu LLTP, hiện nay các cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp thực hiện cấp phiếu LLTP qua nhiều phương thức: trực tiếp, trực tuyến, bưu chính công ích. Đặc biệt, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3, 4.
Ngày 6/2/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình cấp phiếu LLTP trực tuyến trên môi trường điện tử, không cần đến trực tiếp tại Sở Tư pháp để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại