Thứ sáu 22/11/2024 12:55

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên bán hàng online

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lợi dụng nhu cầu mua bán hàng online, nhiều đối tượng đã đăng tuyển cộng tác viên đăng bài online rồi giả vờ là người mua, yêu cầu CTV đặt hàng ở công ty rồi “bom hàng” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên bán hàng online
Người dân cần cảnh giác với chiêu trò lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ các dịch vụ mua bán hàng hóa ngày càng trở nên đa dạng, đặc biệt là mua bán online (mua bán hàng hóa qua mạng internet) trên mạng xã hội, trang web thương mại điện tử,...

Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người thì việc mua bán online như: người mua hàng không cần phải trực tiếp đến cửa hàng mà vẫn có thể lựa chọn được hàng hóa ưng ý, không cần đầu tư hệ thống cửa hàng, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên không gian mạng cũng chứa đựng rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian vừa qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn tố giác tội phạm có liên quan đến việc lợi dụng hoạt động bán hàng online để chiếm đoạt tài sản, nổi lên là hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Theo đó một số cá nhân câu kết thành lập các công ty, doanh nghiệp (các đối tượng cố ý đặt tên doanh nghiệp để người tiêu dùng hiểu nhầm là các công ty của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài) và đăng thông tin kinh doanh các sản phẩm do nước ngoài sản xuất như: mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thực phẩm chức năng… cần tuyển cộng tác viên để bán các sản phẩm trên với mức chiết khấu cao.

Đồng thời khi cộng tác viên đăng thông tin bán hàng lên mạng internet công ty tuyển dụng sẽ trả cho cộng tác viên số tiền nhất định theo ngày, nếu có khách hàng đặt mua thì sẽ được cộng thêm phí. Thông thường phí duy trì bài đăng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày, nếu có khách mua thì người đăng bài sẽ được hưởng từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/ khách hàng.

Một bộ phận người dân do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm cộng tác viên cho các công ty bán hàng nêu trên và đăng bài bán hàng trên các trang mua bán điện tử hoặc mạng xã hội như: facebook, zalo...

Ngay khi cộng tác viên đăng ký là thành viên các đối tượng sẽ sử dụng nickname ảo, sim rác để đặt hàng mua các sản phẩm trên với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng và đề nghị gửi về các địa chỉ không có thật tại các địa phương cách xa nơi cư trú của cộng tác viên.

Khi cộng tác viên thấy có khách mua đặt hàng đã gửi lệnh yêu cầu tới công ty cung cấp để giao hàng cho khách, tuy nhiên công ty cung cấp từ chối giao hàng cho khách đặt mua mà yêu cầu cộng tác viên phải mua số hàng hóa đó và trực tiếp chuyển cho người đặt hàng.

Để tạo tâm lý an tâm cho cộng tác viên công ty cung cấp đồng ý khấu trừ số tiền mà khách hàng được hưởng thông qua việc đăng tin trên mạng internet vào số tiền hàng đã mua. Sau khi cộng tác viên nhận được hàng đã trực tiếp gửi số hàng đó vào địa chỉ của khách hàng đặt mua, nhưng các địa chỉ trên không có thật, hoặc không có ai nhận hàng, số điện thoại của khách đã đặt hàng cũng không thể liên lạc được (người sử dụng mạng gọi là bị “Boom hàng”).

Cộng tác viên liên hệ lại với công ty cung cấp để trả lại hàng thì không được chấp nhận, bị chặn nick, chặn số điện thoại, địa chỉ của công ty cũng không có thật. Khi mở hàng ra xem các hàng hóa đó đều là những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định, xác nhận nên không thể bán trên thị trường.

Trong thời gian tới các loại hình mua bán hàng hóa online sẽ tiếp tục phát triển do có nhiều ưu điểm hơn so với mua bán hàng truyền thống, tuy nhiên cùng với đó cũng sẽ phát sinh nhiều hình thức lừa đảo, gian lận trong kinh doanh.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm thông qua việc lợi dụng kinh doanh online. Người dân cần chú ý nêu cao tinh thần cảnh giác, khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác của các thông tin đã đăng. Chú trọng kinh doanh các mặt hàng uy tín, có thương hiệu rõ ràng, sản phẩm được nhiều người biết đến rộng rãi.

Đối với khách hàng đặt mua cần liên hệ, trao đổi cụ thể, thông thường đối với khách hàng mới mua lần đầu họ có xu hướng tìm hiểu kỹ, cần tư vấn về sản phẩm cần mua. Có thể yêu cầu đặt trước tiền hàng theo tỷ lệ nhất định. Hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho các khách lần đầu đặt hàng.

Kịp thời cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, truyền thông để tự nâng cao tinh thần cảnh giác của bản thân. Thông báo kịp thời đến cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Nghe điện thoại giả mạo Công an, người phụ nữ bị lừa gần 1 tỷ đồng

Nghe điện thoại giả mạo Công an, người phụ nữ bị lừa gần 1 tỷ đồng

Ngày 13-10, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Thanh Xuân đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động