Thứ bảy 27/04/2024 05:21

Cảnh báo những tai nạn chết người từ sự bất cẩn trong sinh hoạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do sự bất cẩn của cha mẹ, người chăm sóc trẻ nói riêng cũng như cộng đồng nói chung nên đã có nhiều tình huống đáng sợ xảy ra khi uống nhầm các hoá chất, dung dịch chứa trong vỏ chai nước ngọt, nước lọc. Bài học này không mới nhưng các vụ việc thương tâm vẫn tiếp diễn.
Cảnh báo những tai nạn chết người do uống nhầm hoá chất
Trẻ nhập viện cấp cứu tại BV Nhi Trung ương do uống nhầm dầu hoả (ảnh: T.H)

Nhiều trẻ nguy kịch do uống nhầm dầu hoả

Gần đây nhất là các vụ cấp cứu liên tiếp tại BV Nhi Trung ương với nhiều ca bệnh có dấu hiệu nguy kịch sau khi uống nhầm dầu thắp hương tại nhà. Đáng lưu ý là khi xảy ra sự việc, gia đình không đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế mà tự ý gây nôn không đúng cách khiến tình trạng của trẻ càng trở nên trầm trọng…

Thời gian vừa qua BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp bệnh nhi uống phải dầu thắp hương dẫn đến tình trạng suy hô hấp đe dọa tính mạng. Điển hình là trường hợp bệnh nhi P.D (17 tháng tuổi ở Quảng Ninh nhập viện ngày 28/4.

Theo lời kể của mẹ bé P.D, dịp nghỉ lễ gia đình có về nhà người thân ở Thái Bình chơi, khi không có người lớn bên cạnh, bé đã uống chai dầu thắp đèn bàn thờ để dưới đất. Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình đã cho trẻ uống nhiều nước và móc họng để trẻ nôn. Sau đó, trẻ được đưa đến cơ sở y tế tuyến huyện sơ cứu rồi đưa vào BV tỉnh Thái Bình điều trị vì khó thở, nhưng tình trạng viêm phổi nặng hơn phải lên tuyến Trung ương.

Tương tự là trường hợp bé V.A, 20 tháng tuổi ở Bắc Giang cũng nhập viện ngày 3/5 trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, phải thở oxy vì uống nhầm dầu thắp hương. Sự việc diễn ra khi bé trèo lên tầng 2 để chơi và thấy chai C2 để trên cửa sổ cạnh bàn thờ nên đã mở ra uống khoảng 10ml.

Sau khi uống bé hét lên thì gia đình mới phát hiện đó là dầu thắp đèn. Thấy cháu không có biểu hiện gì, gia đình chưa đưa cháu bé đến cơ sở y tế ngay mà vài tiếng sau, khi thấy con nôn trớ nhiều, kèm theo ho, xuất hiện sốt. gia đình đã đưa trẻ đi khám tại BV tỉnh trong tình trạng mệt lả. Sau 3 ngày điều trị, trẻ bị viêm phổi nặng, khó thở hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

BS. Chuyên khoa 2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức Hô hấp, Trung tâm Hô hấp-BV Nhi Trung ương cho biết: Biến chứng nặng nề nhất và nguy cơ gây tử vong cao nhất của uống nhầm dầu thắp sáng là suy hô hấp.

Điều đáng nói, việc xử trí uống nhầm dầu thắp sáng không giống xử lý khi uống một số chất lỏng khác. Tuyệt đối không được móc họng gây nôn khi đường thở chưa được bảo vệ. Đây có lẽ là thông tin khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, bởi lâu nay nhiều người thường lầm tưởng trẻ cần phải nôn để tống chất độc ra khỏi dạ dày sau khi uống nhầm.

Tuy nhiên, dầu thắp sáng bản chất là một hydrocarbon dễ bay hơi, có sức căng bề mặt thấp nên rất dễ trào vào đường thở khi uống, đặc biệt là khi gây nôn. Khi vào đường thở dầu sẽ lan rất nhanh trong phổi gây hoại tử niêm mạc, làm xẹp phổi và viêm phổi.

Vì vậy, chỉ rửa dạ dày ở trẻ uống số lượng lớn dầu thắp và phải tiến hành tại cơ sở y tế sau khi đường thở của trẻ đã được bảo vệ tránh dầu xâm nhập, ví dụ như phải đặt nội khí quản trước khi rửa.

“Khi trẻ uống nhầm dầu thắp, gia đình không được cho uống nước, uống sữa và móc họng để trẻ nôn, mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, cấp cứu và điều trị phù hợp”-BS. Lê Thanh Chương khuyến cáo.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất để tránh tai nạn uống nhầm dầu thắp là các gia đình có trẻ em-nhất là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ dầu trong nhà; nếu cần phải dự trữ, không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát; cần phải để dầu thắp ở nơi tránh tầm tay trẻ em: để trên cao, trong tủ có khóa…

Cảnh báo những tai nạn chết người do uống nhầm hoá chất
Hình ảnh ống thuốc diệt chuột giống nước ngọt khiến trẻ nhầm lẫn và bị ngộ độc (ảnh tư liệu)

Những câu chuyện không mới

Tình trạng trẻ em, thậm chí cả người lớn uống nhầm các loại dung dịch, chất lỏng chứa trong chai đựng nước ngọt hoặc trong những dụng cụ bắt mắt, dễ gây nhầm lẫn thành các loại nước ngọt, đồ uống đã xảy ra nhiều. Thế nhưng dường như những lời cảnh báo từ bác sỹ vẫn chưa đủ để mọi người cẩn trọng hơn.

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 19/4/2021, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam 15 tuổi, bị ngộ độc sau khi uống dung dịch màu hồng để trong tủ lạnh. Đây là chất methadone được dùng trong chương trình kiểm soát bệnh nhân nghiện ma túy.

Theo lời kể của người nhà, khoảng 12h ngày 19/4, cháu H.Q.Đ (15 tuổi, Hà Nội) đi học về, mở tủ lạnh thấy chai nước dung dịch màu hồng liền lấy để uống giải khát. Sau vài tiếng, cháu xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù nề mi mắt kèm theo các biểu hiện của ngộ độc. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị tích cực, giải độc, tình trạng của cháu đã ổn định trở lại, qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bởi các nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do uống nhầm methadone. Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp khác cũng bị ngộ độc do uống nhầm methadone. Các cháu cũng uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.

Trước đó, cuối năm 2020 một cụ ông 71 tuổi ở Thanh Hóa khi đến chơi nhà bạn đã sơ suất uống nhầm cốc tinh dầu quế và bị ngộ độc nặng, phải điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc tinh dầu quế và viêm phổi nặng.

Bệnh nhân thở theo bóp bóng, phổi thông khí kém, nhiều đờm đặc quánh. Mạch đo được 110 lần/phút, huyết áp 140/90 mmHg, SpO2 85%, đang duy trì Noradenalin 0,15 mcg/kg/phút, bụng trướng, đi ngoài phân vàng.

Theo lời kể của người nhà, trước vào viện 1 tuần, bệnh nhân có đến nhà bạn chơi và sơ suất uống nhầm 1 cốc tinh dầu quế. Sau đó bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn ra thức ăn kèm đi ngoài phân lỏng. Bệnh nhân được người nhà đưa đến BV đa khoa tỉnh rửa dạ dày. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và duy trì vận mạch.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh liều cao, duy trì vận mạch. Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở ôxy khí phòng...

Đau xót hơn cả là trường hợp 2 bệnh nhi Đặng V.A. (7 tuổi) và Đặng T.M. (5 tuổi), là 2 anh em ruột ở TP Tuyên Quang cùng uống phải dung dịch diệt chuột và 1 trong 2 trẻ đã tử vong. Theo đó, thời điểm ấy do dịch bệnh Covid-19, bố mẹ đã gửi hai bé sang nhà ông bà trông giúp trong thời gian trẻ nghỉ học tránh dịch.

Trước khi nhập viện 30 phút, gia đình phát hiện trẻ nôn nhiều, mệt…, hỏi trẻ mới biết hai bé đã tự bắc ghế lên để lấy lọ nước màu đỏ ở trên thành cửa sổ để uống. Gia đình nghi các bé đã uống nhầm thuốc diệt chuột nên đã đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng 1 trẻ đã không thể qua khỏi.

Từ những trường hợp đáng tiếc nêu trên, các bác sỹ khuyến cáo, để phòng tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc, các bác sỹ khuyến cáo, người dân luôn phải để các hóa chất và thuốc ở các vị trí để làm sao trẻ không thể với tới hoặc không thể mở ra được. Đồng thời, người dân cần lưu trữ dầu, tinh dầu, hoá chất vào các chai lọ chuyên dụng, có nhãn mác, ghi chú rõ ràng.
Nghi ăn nhầm gạo tẩm thuốc chuột, 3 cháu nhỏ nhập viện cấp cứu
Nghi phạm sử dụng thuốc diệt chuột để tự tử nhưng không thành
Sự thật "chết người" đằng sau hộp sữa vợ cho chồng uống...
Bản án lương tâm sẽ đeo đẳng đến hết cuộc đời
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động