Bản án lương tâm sẽ đeo đẳng đến hết cuộc đời
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLê Thị Xuân cùng Lê Đăng Khải tại CQCA |
Cơ quan CSĐT CA huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, vừa ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Thị Xuân, SN 1984, trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba và Lê Đăng Khải, SN 1980, trú tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa về hành vi giết người.
Lê Thị Xuân khai tại CQCA rằng cuộc sống vợ chồng với anh Q.V.B, SN 1985 xảy ra nhiều mâu thuẫn và thường xuyên bị chồng đánh đập. Xuân có mối quan hệ tình cảm với Lê Đăng Khải nên bị can và người tình bàn bạc hãm hại anh B.
Xuân 2 lần pha thuốc diệt chuột vào sữa rồi đưa cho chồng uống. Anh B được được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh Phú Thọ nên giữ được tính mạng, sau đó được BVĐK tỉnh Phú Thọ chẩn đoán ngộ độc hóa chất diệt chuột. Bị gia đình chồng tra hỏi, Xuân đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Ngay sau đó, gia đình anh B đã làm đơn tố cáo tới CQCA. Vào cuộc điều tra, CQCA đã tiến hành bắt giữ Lê Thị Xuân cùng tình nhân là Lê Đăng Khải.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá, các nghi phạm trong vụ án này hoàn toàn nhận thức được tính chất nguy hiểm của thuốc diệt chuột nhưng vẫn cố ý hoà vào sữa cho nạn nhân uống với mục đích mong muốn là nạn nhân tử vong cho đối tượng tự do ngoại tình mà không bị kiểm soát. Hành vi này là lỗi cố ý, đối tượng vi phạm trong trường hợp này nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả chết người có thể xảy ra đây là những dấu hiệu cơ bản, điển hình của tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư Nguyên cũng cho biết, trong vụ án này người vợ can tâm đầu độc chồng mặc sức ngoại tình mà không bị ngăn cản. Đây là hành vi rất đáng lên án, thể hiện sự bội bạc ích kỷ và tàn nhẫn của đối tượng gây án. Điều đáng chú ý là trong vụ án này có sự giúp sức của nhân tình. Đối tượng này không những thực hiện hành vi ngoại tình, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình mà còn đồng phạm với người vợ để sát hại chồng mình.
“Hành vi giết người cấu thành tội phạm kể từ thời điểm đối tượng này hoà thuốc diệt chuột vào sữa để đưa cho người đàn ông này sử dụng. Việc nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời nên hành vi của các đối tượng này là phạm tội chưa đạt, đã hoàn thành”, luật sư Nguyên cho hay.
Trường hợp nạn nhân tử vong thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS do có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: vì động cơ đê hèn, sử dụng phương thức có thể làm chết nhiều người.... Tuy nhiên, đến nay nạn nhân đã được cứu sống nên các đối tượng trong vụ án này sẽ được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 15 và Điều 57 của BLHS và hình phạt không quá 20 năm tù.
Cụ thể, Điều 15 BLHS năm quy định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những ngưyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội".
Điều 57 BLHS quy định về việc quyết định hình phạt với hành vi phạm tội chưa đạt như sau:
- Hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
- Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Luật sư Nguyên cũng bày tỏ, rất may nạn nhân được cấp cứu kịp thời và giữ được mạng sống, các đối tượng trong vụ án này cũng vì thế không phải đối diện mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, ngoài bản án mà các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì có lẽ bản án lương tâm cũng sẽ đeo đẳng những con người này đến hết cuộc đời.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại