Thứ ba 26/11/2024 00:42

Cẩn trọng giữa “ma trận” tên gọi hợp đồng mua bán căn hộ chung cư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần đây, rất nhiều người tiêu dùng phản ánh về tên gọi một số loại hợp đồng giao dịch liên quan đến căn hộ chung cư khiến họ gặp không ít rủi ro, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng, gây thiệt hài lớn về kinh tế khi giao dịch.

Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh hai bên ký kết một số loại hợp đồng có tên gọi như “Hợp đồng mua bán quyền căn hộ”, “Hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, trong đó đối tượng mua bán là dạng hợp đồng căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ (chứ không phải quyền sở hữu). Trong quá trình chào bán cũng như giao kết hợp đồng, bên mua phản ánh họ được chủ đầu tư thông báo đã đăng ký các mẫu hợp đồng này với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và đã được xác nhận, đồng thời việc ký kết phù hợp với quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, theo như các cơ quan truyền thông phản ánh, đã có những trường hợp người dân mua phải dạng căn hộ nghỉ dưỡng/ du lịch (condotel) nhưng tưởng nhầm là mua căn hộ chung cư thông thường. Đến khi về ở, họ mới biết được đây là căn hộ condotel và rất nhiều bất cập đã phát sinh từ việc “nhầm lẫn” này, ví dụ như không được đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn tới những thiệt thòi trong việc học hành của con cái hay việc khám chữa bệnh theo tuyến.

Người  tiêu dùng cần tìm hiểu rõ về đối tượng giao dịch và nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan
Người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ về đối tượng giao dịch và nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan

Đối với những trường hợp nêu trên cũng như các trường hợp tương tự, theo khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), người mua những việc cần làm như sau trước khi tiến hành các giao dịch liên quan đến căn hộ:

Đầu tiên, cần kiểm tra những thông tin cơ bản trong hợp đồng được bên bán cung cấp để xác định chính xác đối tượng mà mình muốn mua. Ví dụ, đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, trong đó sẽ quy định: Đối tượng mua bán của hợp đồng là “căn hộ chung cư”; Các căn cứ quan trọng xác lập hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; văn bản bảo lãnh của Ngân hàng về việc bảo lãnh nghĩa vụ của Chủ đầu tư liên quan đến việc chậm bàn giao căn hộ và thông báo của Sở Xây dựng TP về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai (đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai) hoặc biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền (đối với hợp đồng mua bán căn hộ có sẵn); Mục đích sử dụng căn hộ: để ở; Bên mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Khi hợp đồng có những quy định gây khó hiểu hoặc “lạ lẫm” với người tiêu dùng như “căn hộ du lịch”, “căn hộ khách sạn”, “hợp đồng mua bán quyền tài sản”, “hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, “dự án không hình thành đơn vị ở”..., bên mua cần yêu cầu đơn vị bán hàng giải thích và cung cấp cơ sở pháp lý, đồng thời tự mình tìm hiểu thêm thông tin qua nhiều kênh khác nhau (như các cơ quan xây dựng, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Về việc xác minh thông tin về bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản hướng dẫn thi hành và Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13-1-2012 về Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM/ĐKGDC, DN phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền trước khi giao kết với người tiêu dùng. Để tránh trường hợp chủ đầu tư cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác về việc đăng ký, khách hàng cần xác minh lại chính xác bản hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Cách thức xác minh như sau:

Bước 1: Tra cứu thông tin về hợp đồng được thông qua của chủ đầu tư (nếu có) trên trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công thương nơi có dự án hoặc liên hệ trực tiếp để biết thêm thông tin chi tiết.

Bước 2: Tiến hành đối chiếu bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua (nếu có) với bản được chủ đầu tư cung cấp.

Người tiêu dùng cần lưu ý chỉ đặt cọc, ký kết giấy tờ hoặc hợp đồng mua bán khi đã hiểu rõ về đối tượng giao dịch và đã nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan.

Theo phân tích của luật sư, các hợp đồng này đều không căn cứ vào Luật Nhà ở, văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng hay hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đối với nghĩa vụ tài chính của bên bán trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ và thời hạn sử dụng các loại căn hộ này ghi trong hợp đồng là 50 năm.
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động