Cần cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cơ chế vượt trội, đột phá phát triển Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện cơ chế vượt trội, đột phá phát triển Thủ đô. (Ảnh: Internet) |
Cần bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo TS Nguyễn Thành Luân, Luật sửa đổi cần được thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, cũng như các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
Trong đó, cần bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội nhằm tạo đột phá về thể chế, phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Tạo sự đồng bộ giữa Luật Thủ đô và các luật liên quan
Qua một thời gian thực hiện, sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Điều đó là một trong những nguyên do dẫn đến chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm.
Nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm phần lớn…
Do đó, TS Nguyễn Thành Luân cho rằng, để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển, Luật sửa đổi cần quy định tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thành Luân để cho Luật Thủ đô có hiệu lực, hiệu quả, có “tuổi thọ” dài ngay cả khi các luật khác ban hành sau, nên soạn thảo theo hình thức “bám theo” các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ví dụ, mức phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng cao hơn gấp 2 lần so với quy định hiện hành thì khi Nghị định, Thông tư thay đổi sẽ bám theo mà không cần thay đổi Luật Thủ đô, tránh thủ tục phiền hà.
Cơ chế tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp
Theo TS Nguyễn Thành Luân, thực tiễn đô thị hóa hiện nay cho thấy, cơ chế giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp tại đô thị khác nhiều so với nông thôn. Nếu như tại các vùng nông thôn, cán bộ chính quyền địa phương cũng đồng thời là hàng xóm, láng giềng của người dân nên cơ chế giao tiếp tương đối dễ dàng, thân thiện.
Tại các đô thị, do số lượng dân cư đông, các hộ gia đình sống tách biệt, chuyển chỗ ở thường xuyên nên chính quyền cần có cơ chế khác để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, từng cơ quan trong bộ máy chính quyền Thủ đô cũng đã có cơ chế riêng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về vấn đề trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, mô hình này khó phát huy hiệu quả do chưa thực sự chuyên nghiệp, thân thiện và thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện kiến nghị.
Một số đô thị lớn trên thế giới đã thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp về những vấn đề đô thị. Các vấn đề được người dân phản ánh rất đa dạng từ việc lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép, đèn giao thông bị hỏng, lối đi bố trí không hợp lý, thiếu điểm đỗ xe bus, cửa hàng làm ồn, đỗ xe chắn lối đi, trộm cắp tài sản, cây đổ, đổ trộm rác thải…
Trung tâm này tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp một cách rất thân thiện thông qua điện thoại, website và ứng dụng. Trung tâm sẽ ghi nhận các vấn đề phản ánh vào cơ sở dữ liệu chung, rồi phân loại, chuyển đến cho sở ngành phụ trách và theo dõi báo cáo việc xử lý phản ánh. Một cơ chế như vậy có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và cư dân, đồng thời giúp giải quyết tốt các vấn đề đô thị tồn tại.
Do đó, TS Nguyễn Thành Luân góp ý cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung một cơ chế tương tự vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để có cơ sở pháp lý thực hiện.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai là hết sức cần thiết. Để làm tốt công tác này, việc sửa đổi Luật cần có những sửa đổi bám sát với cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, tuân theo đúng mục tiêu và quan điểm mà Đảng đã đề ra” - TS Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh.
Phân quyền cho Thủ đô trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy biên chế |
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Các vấn đề pháp lý về thu hút, trọng dụng nhân tài |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại