Quy định mới về cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Hồng Linh |
Điều 82 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về việc cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Theo đó, cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức lực lượng và công cụ, phương tiện nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn, cứu hộ.
Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan Công an có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để huy động lực lượng, phương tiện giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí, phân công người, phương tiện sẵn sàng và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu nạn nhân sau khi tiếp nhận tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ; hỗ trợ, cứu chữa nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ trong mọi trường hợp.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an bố trí phương tiện cứu hộ phương tiện bị tai nạn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất có trách nhiệm tổ chức chôn cất sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ đồng ý cho chôn cất.
Trường hợp tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ chở hàng hóa nguy hiểm, cơ quan Công an chủ trì giải quyết vụ việc phải thông báo ngay cho đơn vị chức năng về giải quyết hóa chất độc hại, vật liệu cháy, nổ; phong tỏa hiện trường nơi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức phân luồng giao thông, cấm người, phương tiện đi vào khu vực tai nạn.
Điều 81 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng quy định rõ về việc tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện vụ tai nạn giao thông phải báo ngay cho cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Ủy ban Nhân dân địa phương nơi gần nhất.
Cơ quan công an khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ phải tổ chức ngay lực lượng đến hiện trường thực hiện các biện pháp phân luồng đảm bảo giao thông; khắc phục kịp thời các hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gây mất TTATGT và các biện pháp khác để giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cứu ban đầu người bị tai nạn có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất; thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác trong máu của người điều khiển phương tiện. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện xét nghiệm, phải lấy mẫu máu bảo quản và chuyển mẫu máu theo đúng quy định đến cơ sở xét nghiệm.
Ủy ban Nhân dân nơi gần nhất khi nhận được tin báo vụ tai nạn phải thông tin cho cơ quan công an có thẩm quyền để giải quyết.
Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm đối với người, phương tiện, tài sản liên quan tai nạn giao thông đường bộ khi nhận được tin báo về vụ tai nạn phải cử người trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện của doanh nghiệp đến hiện trường phối hợp với đơn vị giải quyết vụ tai nạn.
Theo các chuyên gia, việc quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ, cứu hộ, cứu nạn khi tai nạn giao thông xảy ra sẽ giúp các cơ quan, đơn vị này nắm rõ công việc cần thực hiện, nâng cao ý thức trách nhiệm triển khai khi tai nạn xảy ra.
Từ đó, giúp công tác cứu hộ, cứu nạn diễn ra được khẩn trương, nhanh chóng, giảm tối đa thiệt hại, thương vong, hậu quả vụ tai nạn giao thông.
Rời khỏi hiện trường khi gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền tới 18 triệu đồng Theo quy định hiện hành tại điểm b khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Theo điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Điểm c khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) quy định, phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn theo quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. |
Hà Nội: ra mắt 2 tổ Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ | |
Hải Phòng tổ chức Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại