Cận cảnh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu thế giới
Xã hội
13:36 | 24/08/2019
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - hiện vật được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện đang được trưng bày, lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)...
|
Các mộc bản đang lưu trữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang - ngôi chùa cổ xây dựng vào đầu triều Lý (1010 - 1225), mang những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam. |
|
Theo các nhà nghiên cứu, 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. |
|
Người dân, du khách tham quan chiêm ngưỡng bộ mộc bản còn được lưu giữ nguyên vẹn tại nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản. |
|
Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn. |
|
Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI. |
|
Kho mộc bản có tổng số 3.050 ván rời với 9 đầu sách: Tỳ khâu ni giới kinh (năm Tự Đức 34 - 1881), Giới luật kinh (năm Tự Đức 34 - 1881), Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37 - 1884), Kính tín lục (năm Tự Đức 39 - 1886), Yên Tử nhật trình (năm Bảo Đại 7 - 1932), Đại thừa chỉ quán (năm Bảo Đại 10 - 1935), Sa di ni giới kinh (năm Tự Đức 34 - 1881), Di Đà kinh, Quan Thế Âm kinh, Tây Phương mỹ nhân truyện (trong đó có vài chục mảnh là mộc bản sớ, điệp và lịch pháp xem ngày giờ tốt xấu trong năm), được chế tác nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, nhưng phần lớn được san khắc trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. |
|
Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử xưa nay. |
|
Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100cm, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20cm, nhưng phần lớn mộc bản bộ Kinh hoa nghiêm (hơn 2800 mảnh) có kích cỡ 33cm x 23cm x 2,5cm. |
|
Vì đã qua nhiều lần sử dụng, mực in bám khá dầy, nên các ván đều có mầu đen. Trong điều kiện bảo quản mang tính tự nhiên trước đây, lớp mực bám này có tác dụng chống thấm nước và mối mọt rất hiệu quả. |
|
Theo đại đức Thích Thanh Vịnh (Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm), mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sưu tập Kinh sách được in ra từ kho mộc bản này là tư liệu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Phật phái Trúc Lâm vào thế kỉ thứ 13 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là xem Phật chính là bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên. Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật. |
|
Người dân tận tay cầm một bản gốc mộc bản kinh phật. |
|
Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc biệt, các cơ quan chức năng đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản Tư liệu Thế giới. Ngày 16-5-2012, bộ 3.050 mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Khánh Huy