Cách gửi đơn tố cáo online theo đúng quy định pháp luật mới nhất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCách gửi đơn tố cáo online theo đúng quy định pháp luật mới nhất
Có thể gửi đơn tố cáo online hay không?
Điều 22 Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo như sau:
Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ ghi nhận 02 hình thức tố cáo:
- Qua đơn;
- Đến trực tiếp cơ quan, tổ chức để tố cáo.
Trong đó, nếu tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản…
Trong yêu cầu về tố cáo trên, có thể dễ dàng nhận thấy pháp luật yêu cầu bắt buộc người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn tố cáo. Mục đích của yêu cầu này là để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.
Trong khi đó, nếu thực hiện tố cáo qua email, điện thoại, Facebook thì chắc chắn người tố cáo không thực hiện được ký tên, điểm chỉ. Vì thế, hiện nay, pháp luật chưa cho phép người dân tố cáo qua các kênh online.
Cách gửi đơn tố cáo online?
Dù Luật Tố cáo chỉ chấp nhận tố cáo qua đơn hoặc trực tiếp nhưng để đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Tố tụng Hình sự ghi nhận:
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Như vậy, trong tố tụng hình sự, pháp luật cho phép người dân tố giác, tin báo về tội phạm bằng lời nói hoặc văn bản. Và cũng theo Điều 145 Bộ luật này, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại