Chủ nhật 13/10/2024 22:52

Biến dạng tay chân vì bệnh Gout

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gout - căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đang trở thành mối lo ngại lớn cho nhiều người. Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân mắc Gout hơn 10 năm, với những biến chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống.
Biến dạng tay chân vì bệnh Gout
Bàn chân biến dạng nặng nề của bệnh nhân mắc bệnh Gout. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.V.T chia sẻ: "Cách đây hơn 10 năm, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh Gout. Công việc chính của tôi là lái xe đường dài nên đi suốt, chế độ ăn uống với dùng thuốc không điều độ và cũng do tôi chủ quan nên không hay đi khám định kỳ, thành ra bệnh mới nặng lên như vậy".

Sau hơn một thập kỷ không được điều trị đúng cách, cơ thể người bệnh xuất hiện nhiều khối u lớn nhỏ ở các khớp tay, chân, gây biến dạng bàn tay, bàn chân. Không chỉ gây đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt, tình trạng này còn khiến người bệnh cảm thấy tự ti trong cuộc sống.

TS.BS Vi Trường Sơn - Trưởng khoa Ngoại yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, giải thích: "Gout là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên, thừa cân, béo phì, hay có tiền sử gia đình mắc bệnh Gout".

Bác sĩ Vi Trường Sơn cảnh báo về các biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout khi không được điều trị đúng cách: "Quá trình tiến triển lâu ngày có thể gây ra viêm khớp, biến dạng khớp do lắng đọng các tinh thể urat. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, thậm chí phải cắt cụt chi hoặc gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng".

Trường hợp của bệnh nhân N.V.T là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không tuân thủ điều trị và chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau hơn 10 năm phát hiện bệnh nhưng không đi khám và điều trị thường xuyên, tứ chi của người bệnh đã bị biến dạng nghiêm trọng.

Từ ca bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo: người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, trong đó có bệnh Gout. Khi phát hiện bệnh, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.

Sốc phản vệ sau khi ăn thịt "đặc sản"
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động