Bị hoại tử phải cắt bỏ ruột non và hở van tim do tiêm thuốc giảm đau chữa khớp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười bệnh phải cắt bỏ ruột non do biến chứng tiêm thuốc giảm đau (ảnh BVCC) |
Đây là thực tế các ca bệnh được ghi nhận liên tiếp trong thời gian gần đây tại Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc người bệnh tiêm thuốc giảm đau vào khớp tại các phòng khám tư nhân không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình tiêm dẫn đến biến chứng đáng sợ.
Tại BV Trung ương Quân đội 108, ông N.V.T, 56 tuổi, ở Quảng Ninh đến khám cấp cứu với biểu hiện đau bụng dữ dội, bí trung/đại tiện. Ông T, cho biết, cách đây 4 tháng ông bị tai nạn giao thông có vết thương khớp gối trái gây viêm khớp gối trái, điều trị bằng kháng sinh và chọc hút dịch khớp nhiều lần nhưng không đỡ.
Bác sĩ (BS) đã thăm khám cho ông T, và chẩn đoán ông bị tắc nhánh động mạch mạc treo tràng trên biến chứng hoại tử ruột tái phát nhiều lần với đoạn ruột non tím đen. Kiểm tra chuyên sâu về tim mạch cho thấy ông T, bị viêm màng trong tim nhiễm khuẩn gây nên hiện tượng tắc mạch tái phát kể trên. Khi chọc hút dịch khớp gối trái của bệnh nhân ra đầy mủ vàng. Bệnh nhân đã trải qua 2 cuộc mổ cấp cứu để cắt ruột và chỉ còn khoảng 1m. Đồng thời, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi bơm rửa ổ khớp bị nhiễm khuẩn.
Theo ThS. Lưu Quang Minh, khoa Hồi sức tim mạch- BV Trung ương Quân đội 108 cho biết: Bệnh nhân T. có nhiều vấn đề ở nhiều chuyên khoa tưởng chừng khác xa nhau như tiêu hoá, cơ xương khớp, tim mạch… Nhưng sau khi chúng tôi xâu chuỗi lại các sự kiện thì nhận thấy đây là diễn biến tự nhiên của một vết thương nhiễm khuẩn khớp.
"Ban đầu từ một vết thương khớp gối nhiễm khuẩn, vi khuẩn (thường là tụ cầu hoặc liên cầu) theo máu đến tim gây viêm màng trong tim nhiễm khuẩn với tổn thương điển hình là các cục sùi bám trên các lá van tim, phất phơ theo từng nhịp đập bơm máu. Khi kích thước cục sùi lớn, một phần cục sùi bong ra và theo dòng máu đến các cơ quan, trong đó có mạch máu nuôi ruột, bít tắc và gây thiếu máu, hoại tử ruột. Trên thế giới, các trường hợp tắc mạch ruột do viêm màng trong tim nhiễm khuẩn thường rất hiếm”, ThS. Lưu Quang Minh nói.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V. D, 55 tuổi, ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng khó thở dữ dội, đau ngực trái kèm sốt cao, suy kiệt, tự điều trị tại nhà không đỡ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus oralis trong máu. Kết quả siêu âm tim cho thấy người bệnh bị sùi loét thủng 2 van tim.
BS khoa Hồi sức tim mạch đã chẩn đoán ông D, bị nhiễm trùng máu nặng, nhiễm trùng lan tới cả van tim. Được biết trước đó ông D, đau khớp gối và đau lưng, đã được bác sỹ tư nhân tiêm Corticoid trực tiếp vào khớp gối và cột sống thắt lưng. Mặc dù triệu chứng đau khớp có đỡ, nhưng sau khi tiêm khớp được 2 ngày, bác bị sốt triền miên, mệt mỏi và khó thở liên tục.
BS. Minh phân tích, đối với những trường hợp như 2 người bệnh trên, họ sẽ phải trải qua quá trình điều trị vô cùng phức tạp: Dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liên tục từ 4 đến 6 tuần, phẫu thuật thay van tim bị nhiễm khuẩn…, với nguy cơ tử vong trong quá trình điều trị khoảng 16%. Nếu điều trị thành công, người bệnh vẫn phải uống thuốc chống đông suốt đời với rất nhiều nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Các BS khuyến cáo, hiện nay, nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Tuy nhiên do bệnh nhân chủ quan, tiêm khớp ở những cơ sở không được cấp phép, bởi những bác sỹ không được đào tạo bài bản về các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, thậm chí một số người thực hành tiêm khớp còn không phải là nhân viên y tế… nên đã dẫn đến không ít trường hợp sau vài ngày đã bị biến chứng nhiễm trùng khớp. Khi nhiễm trùng khớp đã lan đến tim gây nhiễm trùng màng trong tim, quá trình điều trị phức tạp, chi phí rất tốn kém và sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Vì vậy, để tránh biến chứng đáng tiếc, mọi người khi khám chữa bệnh phải tìm đến những cơ sở uy tín và người thực hiện phải có chứng chỉ, kinh nghiệm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại