Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Khánh Huy |
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội cải thiện khoảng 20%
Phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua, với hàng nghìn khu nghỉ dưỡng, resort và các dự án được hấp thụ, trước khi rơi vào trạng thái ảm đạm kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Song, với tình hình ngành du lịch đang khởi sắc mạnh, phân khúc này được các doanh nghiệp BĐS xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn từ năm 2024.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), từ năm 2022, BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã đón đầu làn sóng du lịch hậu Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn dồn dập công bố, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch những dự án nghỉ dưỡng từ hàng trăm đến vài chục nghìn ha. Nhưng từ giữa năm 2022, phân khúc này trầm lắng do các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, khiến nhiều dự án phải tạm dừng triển khai.
Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp phải “trả giá" vì phát triển ồ ạt, sản phẩm tồn kho tăng mạnh, trong khi nguồn cung mới sụt giảm nghiêm trọng. Riêng năm 2023, cả nước có khoảng 3.165 sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Tới thời điểm hiện tại, trong khi các phân khúc khác đều đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “ảm đạm".
Tuy nhiên, khảo sát của VNREA cho thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, nhất là "hấp lực" từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đang trở thành động lực để các doanh nghiệp phát triển dự án đẩy nhanh tiến độ, bơm thêm nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel... thời gian tới cũng đã có độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại.
VNREA dự kiến, nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Để phân khúc này phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.
Bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi nhờ du lịch
Theo các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên.
Cùng với việc cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư cần nỗ lực để thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.
“Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhưng để phát triển bền vững, chủ đầu tư phải chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần nỗ lực để thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích” - ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, nhấn mạnh.
Trong giai đoạn trầm lắng chung của thị trường BĐS hiện nay, BĐS du lịch nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, cùng với đà hồi phục dần của thị trường, phân khúc này vẫn có nhiều triển vọng để phát triển trở lại nhờ vào những xung lực chính.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch VNREA chia sẻ, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang đón đầu mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, với dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy BĐS du lịch nghỉ dưỡng khởi sắc trở lại.
Yếu tố thứ hai đến từ nỗ lực của Chính phủ thông qua hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm condotel, resort villa.... Bộ Xây dựng đã nghiên cứu ban hành sửa đổi bổ sung quy chuẩn tiêu chuẩn đối với condotel; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với loại hình này. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn 10829 gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú… theo đúng quy định.
Thêm vào đó, việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày là thông tin khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lên kế hoạch điểm đến Việt Nam không bị giới hạn về số lần nhập cảnh; hệ thống sân bay cả nước được nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới; mục tiêu hoàn thành gần 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030... cũng là những động lực để du lịch nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng “cất cánh”.
Mặt khác, các doanh nghiệp BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau thời gian tìm hướng đi đã cơ cấu lại định hướng phát triển phân khúc này phù hợp với thị trường, thay vì đơn thuần cung cấp sản phẩm condotel, các chủ đầu tư đã bắt đầu chuyển đổi công năng sản phẩm tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương, đặc trưng cộng đồng, thiên nhiên vào dự án danh cho du khách.
Ngoài ra, về lâu dài, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có biên độ rộng để phát triển, lượng cầu còn nhiều dư địa lớn trong tương lai trên cơ sở Việt Nam đang sở hữu vị trí thuận tiện, nhiều địa danh văn hóa lịch sử đa dạng, bờ biển dài, đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng du lịch ngày càng đồng bộ...
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, Việt Nam đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong quý I/2024, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu đáng mừng để ngành du lịch kỳ vọng năm 2024 đạt trên 18 triệu lượt khách đến Việt Nam. Đáng chú ý, du khách cập cảng Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Huế... tăng mạnh, đây là các địa phương đã và đang phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng, tạo lực đẩy cho phân khúc này tăng trưởng. |
Thị trường đất nền có tín hiệu tích cực những tháng đầu năm | |
Giao dịch chuyển nhượng bất động sản quý 2/2024 của Hà Nội tăng trên 30%? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại