Thứ sáu 29/03/2024 17:24
Giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 tại Hà Nội:

Bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Hà Nội sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Sơ đồ triển khai đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Sơ đồ triển khai đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phải thống nhất chính sách về bồi thường

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung: Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị trong thời gian tới.

Phần Dự án qua địa bàn TP Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, do đó, khối lượng công việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công dự án rất lớn.

Xử lý nghiêm nếu không hoàn thành đúng tiến độ

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín thành lập Tổ công tác cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng, đồng chí Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ phó; thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ TP đến các xã, phường, thị trấn.

7 quận, huyện trên cũng có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí Bí thư, đồng chí Phó Bí thư, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, các phòng, ban, ngành, các xã, phường nơi có dự án đi qua và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.

Chỉ thị nêu rõ: “Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng”.

Về tiến độ cụ thể, các huyện hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trước quý II-2023; các quận, huyện tổ chức bàn giao 60-70% diện tích đất đã giải phóng mặt bằng xong trước quý III-2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV-2023.

Ngày 14/9/2022, UBND TP Hà Nội đã công bố quyết định về việc ủy quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ triển khai thủ tục đầu tư các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Việc triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn TP chia làm 4 đoạn, thực hiện như sau:

Đoạn 1: Từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 18 (dài khoảng 11km): UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường, tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 18/7/2022.

Đoạn 2: Từ cầu Hồng Hà đến Quốc lộ 32 (dài khoảng 9,6km): UBND TP yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trước ngày 30/7/2022.

Đoạn 3: Từ Quốc lộ 32 đến Quốc lộ 6 (dài khoảng 17,77km): Đã được UBND TP phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2012. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có tờ trình UBND TP phê duyệt bổ sung chỉ giới đường đỏ nút giao giữa tuyến đường Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long.

Đoạn 4: Từ Quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5km, chia làm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15km) đoạn từ Quốc lộ 6 đến Quốc lộ 1A: UBND TP đã có Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 12/7/2022 phê duyệt chỉ giới đường đỏ.

Triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô
"Chốt" tiến độ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động