Thứ hai 25/11/2024 11:51
Từ những vụ ngăn cản cha – mẹ gặp con:

Bài 1: Tìm mọi cách để ngăn cản quyền của người mẹ được gặp con

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong vụ việc bé N.T.V.A, 8 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh, tử vong do bị vợ chưa cưới của bố bạo hành mới đây, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích vai trò của mẹ đẻ cháu bé. Họ cho rằng cho dù bị ngăn cản không cho gặp con, nhưng nếu thực sự quan tâm thì người mẹ có thể có nhiều cách để liên lạc hoặc biết được thông tin về con.
Bài 1: Tìm mọi cách để ngăn cản mẹ được gặp con
Nguyễn Võ Quỳnh Trang, mẹ kế - kẻ bạo hành cháu A

Tách con ra khỏi mẹ cả khi chưa ly hôn

Trong thực tế, có nhiều vụ việc sau khi bố mẹ ly hôn, nhiều bậc cha/mẹ đã bằng mọi cách ngăn cản quyền thăm nuôi con của đối phương khiến quá trình đấu tranh để lấy lại quyền được chăm sóc, thăm nuôi con là cả một đoạn đường chông gai và trắc trở. Thậm chí cả khi chưa ly hôn, nhiều gia đình cũng bằng được tách con ra khỏi sự chăm sóc của bố/mẹ.

Chị N.T.V, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và chồng kết hôn năm 2020. Cuộc sống hôn nhân nhanh chóng rạn vỡ vì sự không hòa hợp giữa hai vợ chồng. Chị V liên tiếp bị chồng hành hung, chửi mắng mặc dù chị V đang mang thai.

Tháng 8 – 2021, mặc dù cách thời điểm dự sinh nửa tháng, chị V vẫn bị chồng đánh và đập phá đồ đạc chỉ vì chị khuyên chồng bỏ thuốc lá. Cực chẳng đã, chị V đã có ý định làm đơn ly hôn với chồng, tuy nhiên kế hoạch không thành bởi chồng chị không chịu.

Tháng 9 – 2021, khi mới sinh con được 5 ngày, do có mâu thuẫn với mẹ vợ nên chồng chị V tiếp tục chửi mắng và đánh đập chị V. Thậm chí chồng chị V còn bế đứa con còn đỏ hỏn đi thẳng về nhà với mẹ đẻ. Cực chẳng đã, chị V phải theo chồng về nhà chồng.

Trong thời gian ở nhà với chồng và mẹ chồng, chị V rất bức bối vì liên tục có mâu thuẫn cả với chồng và mẹ chồng. Sau nhiều ngày, chị V có nguyện vọng mang con về nhà bà ngoại để giải tỏa tinh thần và nhờ cậy bà ngoại trông nom cả hai mẹ con. Tuy nhiên cả chồng và mẹ chồng chị V. không đồng ý. Họ chỉ đồng ý để chị V về nhà mẹ đẻ một mình.

Quá mệt mỏi, chị V đã về nhà mẹ đẻ một mình, sau 8 – 10 ngày chị quay lại nhà chồng. Lúc này mâu thuẫn giữa đôi bên càng căng thẳng. Tháng 11 – 2021, chị V về nhà mẹ đẻ và làm đơn ly hôn. Từ đây trở đi, gia đình chồng chị V kiên quyết không cho chị V. gặp con mặc dù bé con vẫn còn non nớt và cần mẹ cho bú mớm.

Thậm chí, khi chị V muốn đến thăm con gia đình chồng còn ngăn cản, mạt sát và kiên quyết không cho mẹ được gặp con. Có thời điểm, khi chị V đến nhà muốn gặp con, gia đình nhà chồng đã đuổi, hạ nhục, thậm chí còn tạt nước vào người chị dù mùa đông rét mướt và mặc chị V vạ vật ở cổng cả đêm, gia đình nhà chồng vẫn kiên quyết không cho mẹ con gặp mặt.

Sau rất nhiều cố gắng của chị V cùng với sự trợ giúp pháp lý của các luật sư, chị V mới thuyết phục và mang được con về nhà để chăm nuôi.

Mang con ra nước ngoài để ngăn cản việc mẹ gặp con

Trong quá trình làm việc, chị Hoàng Đ, một nhà báo làm mảng pháp luật, luôn nhớ những vụ việc và câu chuyện chị đã chứng kiến và tiếp nhận. Theo chị, việc tách con ra khỏi bố/mẹ rất thường xảy ra với các cặp vợ chồng sau khi ly hôn.

Chị kể lại câu chuyện chị đã gặp. Theo đó, chị N.T.T.H, trú tại TP Hồ Chí Minh, năm 2013 đã sống với một doanh nhân người Pháp, hai người có con chung là một cô con gái. Do cuộc sống không hòa hợp, hai người chia tay nhau, chị H bị tước đứa con sơ sinh khỏi tay khi em bé mới được 3 tháng tuổi. Với gương mặt đầy nước mắt và bầu ngực căng tức sữa, chị H đã đi đến các tòa soạn báo để kêu cứu, gặp các cơ quan chức năng để mong được hỗ trợ.

Tuy nhiên mọi cố gắng của chị H đều vô vọng. Người đàn ông Pháp đã bỏ tiền ra thuê luật sư để bảo vệ quyền riêng tư trong nhà. Chị không thể nào vào được trong nhà họ bởi xung quanh nhà lắp đầy camera và dây thép gai. Chị càng không thể nào chứng minh được đứa trẻ đang ở trong nhà đó, cơ quan chức năng lại càng không thể vô cớ vào nhà để kiểm tra khi không có gì chứng minh người ta vi phạm pháp luật.

Sau đó, để không cho chị H gặp con, người bố đã mang đứa bé sang Pháp, giao cho mẹ của anh ta nuôi, một phụ nữ 80 tuổi. Chị H khóc hết nước mắt, sau đó bằng nhiều cách chị đã dò ra manh mối con ở Pháp bèn bỏ việc ở Việt Nam ra nước ngoài kiếm việc làm tìm con. Năm 2016, toà án Pháp tuyên chị được nuôi con.

Nhưng ngay trước ngày bản án sơ thẩm được phát hành thì bố của đứa bé đã bế ngay bé về Việt Nam, một lần nữa từ chối cho chị gặp con. Chị tiếp tục theo về Việt Nam và khởi kiện ra TAND TP Hồ Chí Minh yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án nước ngoài.

Năm 2017, hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm diễn ra đều công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam bản án nước ngoài. Và kể cả khi án phúc thẩm có hiệu lực bố của con cô vẫn kiên quyết không giao con cho mẹ. Cho đến khi cơ quan thi hành án phải ra quyết định buộc người bố phải giao con cho chị H., lúc này người đàn ông kể trên mới thực sự thi hành.

Câu chuyện ấy diễn ra kể từ khi bé bị bắt đi lúc 3 tháng, đến khi được giao lại con thì đứa bé đã 6 tuổi.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động