Thứ sáu 03/05/2024 23:47
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô

Bài cuối: Phương hướng nào đối với chương trình “cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị”?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nghị quyết có liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội, trước mắt, có thể dựa trên các định hướng chủ đạo trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị: số 15, số 06, số 18, số 29, số 30... và các căn cứ pháp lý như Luật Quy hoạch và đặc biệt là các nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022.
Bài cuối: Phương hướng nào đối với chương trình “cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị”?
Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Định hướng phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc

Hà Nội cần tập trung vào các nội dung trong Phần III (Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) gồm: phương hướng phát triển hệ thống đô thị; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; phương hướng phát triển và tổ chức không gian trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thứ nhất, phương hướng phát triển hệ thống đô thị: phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn là một trong những phương hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị.

Tại Mục 3.8.1, dự thảo xác định Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển và tổ chức không gian đô thị theo các định hướng sau: a) Định hướng phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước;

b) Định hướng phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và hệ thống đô thị Thủ đô với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại;

c) Định hướng phát triển một số mô hình đô thị tiêu biểu, trong đó: quy hoạch, lấy sông Hồng làm trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông Hồng và xây dựng một số đô thị vệ tinh, mô hình TP trực thuộc Thủ đô ở khu vực phía Bắc và phía Tây thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... mới của Thủ đô;

d) Định hướng xây dựng đô thị thông minh hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài;

e) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị đại học, trung tâm sáng tạo Hòa Lạc; đô thị công nghiệp; đô thị sân bay...;

f) Định hướng phát triển các thị tứ, thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có;

g) Định hướng quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu đồng bộ, hiện đại;

h) Định hướng quy hoạch không gian ngầm đô thị;

i) Rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị;

k) Di dời có trật tự các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực trung tâm. Đồng thời, quá trình xây dựng lưu ý cần định hình được tính bản sắc trong đô thị của Hà Nội; cấu trúc đô thị là phải tận dụng được hết lợi thế, các yếu tố thuận lợi về mặt không gian địa lý; đồng thời xử lý được đô thị cũ và hiện đại để vừa đảm bảo yếu tố “văn hiến” vừa đảm bảo “văn minh - hiện đại”.

Theo TS. Chu Mạnh Hùng cho rằng, về phương hướng đối với chương trình “cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị”, dự thảo nêu ra mục tiêu của hoạt động rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị, trong đó: “Tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị”.

Tuy nhiên, nếu trong nội dung định hướng chỉ đưa ra mục đích như trên thì việc xây dựng quy hoạch cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị sẽ khó hiệu quả và ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, nhà dân và nhà đầu tư. Vì thế, cần đặt ra yêu cầu đối với chương trình “cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị”: khi cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị phải đặt ra yêu cầu bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị để phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử đối với các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử: nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác; đồng thời đảm bảo việc đồng bộ cảnh quan khu đô thị đối với các dự án cải tạo, chỉnh trang, xây dựng nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp trong việc hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư sẽ phù hợp hơn.

Thiết nghĩ, Thủ đô Hà Nội nên có cơ chế, chính sách đặc thù với quan điểm, định hướng “đô thị xanh”, “đô thị hiện đại”; “đô thị tiện ích”. Nên theo hướng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại. Điều này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân tại Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng và mở rộng được hệ thống hạ tầng cây xanh, công viên, quảng trường…; nâng cấp được hệ thống công trình công cộng.

Tuy nhiên, cũng lưu ý định hướng này sẽ không áp dụng cho khu vực xác định là khu vực nội đô lịch sử với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử như: nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa trong việc bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc châu Âu và những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn bảo tồn, phát huy, phát triển.

Để làm được điều này, trong quy hoạch sử dụng đất, cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở theo hướng mở rộng các dự án khu đô thị hiện đại.

Nên phân vùng thành khu vực nội thành và khu vực ngoại thành cùng với tư duy quy hoạch vùng lõi và khu vực lân cận

Bài cuối: Phương hướng nào đối với chương trình “cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị”?
Theo TS. Đỗ Xuân Trọng - Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội, phát triển nông thôn trong Thủ đô Hà Nội trở nên hiện đại, hài hòa, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc; đồng thời xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, bảo vệ môi trường quy hoạch, phát triển các làng nghề có giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị kinh tế là phương hướng phát triển và tổ chức không gian nông thôn. Ảnh: Khánh Huy

Theo TS. Đỗ Xuân Trọng - Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội, phát triển nông thôn trong Thủ đô Hà Nội trở nên hiện đại, hài hòa, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc; đồng thời xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, bảo vệ môi trường quy hoạch, phát triển các làng nghề có giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị kinh tế là phương hướng phát triển và tổ chức không gian nông thôn.

Tuy nhiên, không nên xác định nông thôn trong Thủ đô hay nông thôn trong TP mà nhìn nhận Thủ đô là đô thị và nên phân vùng thành khu vực nội thành và khu vực ngoại thành cùng với tư duy quy hoạch vùng lõi và khu vực lân cận đối với cả nội thành và ngoại thành. Vùng lõi sẽ đảm bảo tính “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; vùng lân cận sẽ đảm bảo tính “Hiện đại - Văn minh - Văn hiến”.

Điều này chúng tôi đưa ra dựa trên sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Thủ đô năm 2012 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Về nghiên cứu sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội, tại Mục 3.8.4, dự thảo có đưa ra phương án nghiên cứu việc xây dựng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô, trong đó: nghiên cứu, phân tích ưu, nhược điểm của các vị trí, xác định nhu cầu, nguồn lực để đánh giá có cần thiết xây dựng thêm một sân bay quốc tế trên địa bàn TP Hà Nội hay không?

Thực tế hiện nay và trong tương lai, phương tiện bay đã và đang là phương tiện quan trọng và ngày càng phát triển để có thể kết nối các vùng miền trong cả nước và từ trong nước tới thẳng các quốc gia trên thế giới, do đó, việc xây dựng thêm mới các sân bay là yêu cầu cần thiết đặt ra.

Tuy nhiên, việc quy hoạch sân bay và xây dựng sân bay cần được nhìn nhận đánh giá trên bình diện chung của cả vùng miền, của các tỉnh/thành trong cái nhìn tổng thể chứ không thể chỉ nhìn nhận mỗi trong phạm vi Thủ đô. Quá trình xây dựng sân bay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiện trạng sử dụng đất cũng như phải thay đổi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… bởi sân bay cần diện tích rộng lớn; chiều cao các công trình khu vực kế cận bị hạn chế. Hơn nữa, nguồn lực để xây dựng sân bay cũng rất lớn trong khi hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng hiện đại cho Thủ đô còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, với nguồn lực để xây dựng sân bay sẽ dành cho việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại khác như: tàu điện ngầm, tàu cao tốc; hệ thống xe buýt… theo hướng luôn sẵn sàng kết nối Thủ đô Hà Nội tới tận những vùng ngoại thành, các địa phương xa xôi khác trong cả nước. Điều này khi triển khai sẽ giảm áp lực về nhu cầu nhà ở cho người dân tại các khu đô thị cũng như giảm thiểu tình trạng tắc đường và ô nhiễm môi trường của Thủ đô Hà Nội khi người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì sử dụng các phương tiện chủ yếu là xe máy như hiện nay. Điều này chúng ta có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, tại Thủ đô Seoul có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và đa phần người dân Seoul sử dụng hệ thống giao thông công cộng bởi tính tiện lợi và giá thành thấp; hay tại Thủ đô Paris, hệ thống tàu điện ngầm với 16 tuyến và gần 300 trạm; một hệ thống xe buýt đa dạng với 347 tuyến, hệ thống tàu cao tốc chạy cả dưới mặt đất và trên cao luôn sẵn sàng kết nối Paris tới tận những vùng ngoại ô xa xôi.

Bài 1: Nhiều “nút thắt” về quy hoạch đã được gỡ Bài 1: Nhiều “nút thắt” về quy hoạch đã được gỡ

Ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Sau 15 năm ...

Bài 2: Hình thành các vùng động lực phát triển Thủ đô Bài 2: Hình thành các vùng động lực phát triển Thủ đô

Theo các chuyên gia Trường ĐH Xây dựng, quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập nhằm đáp ứng các quy định có liên quan ...

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động