Thứ hai 25/11/2024 15:43
Dự thảo Luật Thủ đô: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Bài cuối: Các giải pháp hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống của nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp.
Bài cuối: Các giải pháp hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tập trung thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của TP cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”. Ảnh: Khánh Huy

Tập trung thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn

Đó là tập trung thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của TP cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; TP hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của TP Hà Nội (Điều 17, khoản 2, điểm d).

Cùng với đó là việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên.

Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm (Điều 28, khoản2, điểm d); xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của TP chưa có đất ở; trường hợp người dân đã có đất ở nhưng chưa có nhà hoặc nhà bị dột nát thì hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương (Điều 28, khoản 5); hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã tiếp thu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến tham gia thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị về việc: cung cấp thông tin chi tiết về quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở bãi sông cho sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm... và tác động về kinh tế xã hội, an ninh, an toàn xã hội; quy định rõ, chi tiết hơn đảm bảo tính khả thi của giải pháp phát triển nông dân văn minh; đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân nông nghiệp đáp ứng chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề then chốt của khu vực nông thôn

Bài cuối: Các giải pháp hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp
Ông Hoàng Trung Dũng -Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, phải xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề then chốt trong sự phát triển của khu vực nông thôn Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Theo ông Hoàng Trung Dũng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khu vực nông thôn Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường lao động và sự chuyển dịch cơ cấu xã hội nghề nghiệp, làm thay đổi cơ cấu lao động, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về việc làm ở tất cả các lĩnh vực và các khu vực kinh tế khác nhau.

Mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiêu dụng hiền tài, bồi dưỡng và phát triển nhân tài; phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Trước sự chuyển dịch cơ cấu xã hội nghề nghiệp, yêu cầu đặt ra là cần phải có nguồn nhân lực tốt ở khu vực nông thôn Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn Hà Nội vừa thừa lại vừa thiếu; thừa lao động chân tay, lao động giản đơn; thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; thiếu người có kiến thức quản lý, tổ chức giỏi...

Tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn Hà Nội được qua đào tạo với trình độ đại học trở lên qua các năm có tăng, nhưng vẫn còn ở mức thấp, từ 17% năm 2011 lên 30,2% năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ mới chỉ đạt con số 50,3% năm 2022. Đây là rào cản lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động, quá trình chuyển đổi ngành nghề mới của khu vực nông thôn Hà Nội.

Tỷ lệ thất nghiệp luôn được duy trì ở mức thấp, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Năm 2022 là 2,2% Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa bền vững, chất lượng việc làm còn thấp và tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ giãn việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Ông Hoàng Trung Dũng cho rằng, phải xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề then chốt trong sự phát triển của khu vực nông thôn Hà Nội. Nguồn nhân lực của khu vực nông thôn Hà Nội trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 phải có năng lực chuyên môn tốt, có đủ kỹ năng mềm cần thiết, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công việc và sản xuất.

Thứ hai, nêu cao vai trò của các cơ quan, ban ngành Thủ đô Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước cần có những quy định mang tính pháp lý trong việc đào tạo, bồi dưỡng gắn với trách nhiệm và quyền lợi của người học; đồng thời, tạo ra cơ chế tốt để các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường trong xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khu vực nông thôn hiện nay.

Thứ ba, làm tốt công tác dự báo về nguồn lao động khu vực nông thôn, đầu tư hơn nữa cho các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp, đặc biệt áp dụng các thiết bị công nghệ mới.

Thứ tư, đổi mới phương pháp giáo dục nhằm thích nghi với tình hình thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Đa dạng hóa các phương pháp đào tạo như trực tiếp, từ xa, trực tuyến... Phát huy tính sáng tạo của mỗi học viên, gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng và tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật.

Hà Nội có nhiều lợi thế so với cả nước về nguồn nhân lực nhưng cũng đang tiềm ẩn những thách thức to lớn trong việc phát triển loại hình này. Nhân lực khu vực nông thôn của Hà Nội đang ở trong tình trạng chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển, chưa được sử dụng hiệu quả, mạng lưới cơ sở đào tạo chưa được quy hoạch đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề và sự phân bố lao động chưa hợp lý...

Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ bao gồm làm tốt công tác dự báo cung cầu nhân lực, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới tổ chức đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào đào tạo nhân tài, có chính sách sử dụng thu hút nhân tài và phát triển các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn Hà Nội trước sự biến đổi cơ cấu xã hội nghề nghiệp.

Bài 2: Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại Bài 2: Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại
Bài 1: Trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái Bài 1: Trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động