Chủ nhật 01/09/2024 08:26

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam”. Diễn đàn nhằm mục đích tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân
Người nông dân thủ phủ hoa Mê Linh (Hà Nội) thu hoạch hoa hồng để cung ứng ra thị trường. Ảnh: Khánh Huy

Quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, tổng dư nợ tín dụng tam nông cuối năm 2023 là 3,3 trệu tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng dư nợ cho nền kinh tế. Riêng cho vay nông lâm thủy sản cuối tháng 6 năm 2024 đạt 986.000 tỷ đồng.

Quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá (khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023) thì quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng còn rất nhỏ. Năm 2023, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%. Các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các NHTM, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều.

Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) có nhiều rào cản đối với người nông dân khi tiếp cận. Đó là các NHTM thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.

Theo TS. Cấn Văn Lực, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều vào thị trường khiến nguồn cung bị phụ thuộc vào các NHTM. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế về năng lực quản trị, tài chính và công nghệ.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều nền tảng kết nối các nhà cung ứng, phân phối, nhà cung cấp tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Theo TS. Cấn Văn Lực, để khắc phục hạn chế nêu trên, cần hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như cho vay ngang hàng, cơ chế chia sẻ dữ liệu.

Đồng thời, cần tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới, quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU. UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất (đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…).

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng cần thiết kế sản phẩm phù hợp, linh hoạt hơn về tài sản thế chấp. Các NHTM lớn, có lợi thế về nguồn lực và nền khách hàng có thể xây dựng nền tảng kết nối các thành viên trong chuỗi cung ứng, chủ động tìm kiếm, làm việc với những tổ chức quốc tế để có nguồn vốn dành cho tài trợ chuỗi cung ứng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp nông nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích, tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung, chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững để có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.

Tại diễn đàn, ông Ngô Sỹ Đạt- Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, đã đề cao vai trò các hợp tác xã trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã (HTX) có thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước, tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. HTX là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước và các nguồn khuyến nông, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cho nông dân, hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Hiện nay cả nước có 2.169 HTX làm chủ thể sản phẩm OCOP; hơn 1.000 HTX có hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên (thu nhập trung bình 52 triệu đồng/năm) góp phần ổn định chính trị- xã hội địa phương.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Ngô Sỹ Đạt đề xuất, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp HTX; tiếp cận vay vốn tín dụng, đất đai... Đặc biệt là nhân rộng mô hình HTX vừa sản xuất vừa tham gia thị trường (sàn giao dịch nông sản); HTX đánh bắt thủy sản trên biển; bảo vệ nguồn lợi cộng đồng...; HTX sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.

Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX cần chủ động tìm hiểu về các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích. Tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm SCF nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung. Chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững để có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, chú trọng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 197.000ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 160.000ha. Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, Hà Nội thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các mô hình kết hợp nông nghiệp du lịch. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao và chủ động được một phần nông sản thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển...

Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, chú trọng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch, nhằm nâng giá trị sản xuất.

Hà Nội cũng lựa chọn đầu tư bài bản các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của địa phương. Ngoài ra, Hà Nội còn hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...), đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động