7 ca tử vong do đậu mùa khỉ, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường biện pháp phòng chống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiêm vắc-xin phòng đậu mùa khỉ hiện không được khuyến cáo sử dụng tiêm đại trà cho người dân |
Công văn nêu rõ, từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 30/7/2022, đã ghi nhận trên 21 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong (gồm 2 trường hợp mắc kèm bệnh nền tử vong tại Brazil và Tây Ban Nha). Hiện, một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Để chủ động giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu trên địa bàn), giám sát các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.
Cùng đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, đảm bảo phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.
Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Đồng thời, thực hiện truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận thông tin về bệnh đậu mùa khỉ để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn.
Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo tình hình dịch giữa các tuyến, cơ sở y tế, ban ngành thuộc địa bàn, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.
Trước đó, ngày 1/8, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn toàn quốc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ để chủ động phòng chống. Tại buổi tập huấn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Trước tình hình dịch lây lan ở nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời.
Cùng đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh đề xuất nhu cầu để chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị; Cục Quản lý Dược tiếp tục tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị đậu mùa khỉ theo khuyến cáo và bảo đảm các nguồn cung ứng các thuốc điều trị nói chung, thuốc điều trị biến chứng...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định xu hướng gia tăng ca bệnh đậu mùa khỉ là chắc chắn. Đặc biệt sau khi WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp, các quốc gia sẽ tăng cường giám sát và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán xác định, ca bệnh sẽ tăng lên.
WHO đánh giá tổng thể nguy cơ dịch đậu mùa khỉ trên toàn thế giới ở mức trung bình. Khu vực châu Âu ở mức cao, khu vực khác ở mức trung bình. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương gồm cả Việt Nam chỉ ở mức nguy cơ thấp đến trung bình. Đánh giá này dựa trên 3 tiêu chí: độ nặng của bệnh, nguy cơ bệnh xâm nhập và nguy cơ lây truyền trong khu vực.
Vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là việc xuất hiện các ca bệnh có triệu chứng không điển hình. Hịện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả đã được chứng minh cho bệnh nhân đậu mùa khỉ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương.
Các chuyên gia của WHO và Bộ Y tế lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: Trẻ nhỏ; phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành Công văn số 2594/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Công văn nêu rõ, để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn với tinh thần và giải pháp là “sớm một bước, cao hơn một bước”, UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế đối với các cơ sở y tế trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng (tại các trung tâm y tế) nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về đậu mùa khỉ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại