Thứ sáu 22/11/2024 07:25

30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học: Phụ huynh và học sinh đã thực tế hơn rất nhiều?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo số liệu của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sau 1 tháng mở cổng đăng ký, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là 941.760; số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044 (với tổng số lượng nguyện vọng là 3.094.572). Như vậy đã có 30% tức 325.716 thí sinh bỏ xét tuyển.
30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học: Phụ huynh và học sinh đã thực tế hơn rất nhiều?
Nhiều phụ huynh và học sinh đã xác định được tư tưởng: Vào ĐH và có bằng ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.

Theo đánh giá, số thí sinh nhập nguyện vọng năm nay giảm khá nhiều. Năm 2021, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH là 795.353 với hơn 3,92 triệu nguyện vọng. Năm 2020, theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cả nước có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH là 643.122 em (chiếm 71,45%). Tổng số nguyện vọng xét tuyển ĐH là 2.490.171 nguyện vọng, tập trung phần lớn số lượng ở các nguyện vọng từ một đến năm.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng, có thể trong số đó có em đã đăng ký vào cao đẳng, trung cấp. Điều này cũng đáng mừng vì các em đã theo dõi xu hướng chọn trường hiện nay. Các em có thể học đúng chuyên ngành yêu thích nhưng với mức học phí thấp hơn và thời gian ra trường nhanh hơn. Sau khi đi làm, các em vẫn có thể học liên thông lên nếu thấy thực sự cần thiết.

Ngoài ra, cũng có lượng lớn thí sinh đã chọn lựa đi du học hay xuất khẩu lao động sang các nước khác để tích lũy kinh nghiệm cho những năm sau đi học lại. Cách đăng ký nguyện vọng năm nay có một số điều mới hơn năm cũ nên Bộ GD&ĐT đã cho cơ hội để các thí sinh có thể suy cân nhắc và điều chỉnh nguyện vọng. Điều lo nhất là trong số hơn 300.000 thí sinh này, có em chưa đăng ký nguyện vọng được vì chưa có thông tin rõ ràng và vì phương tiện các em không có nếu như ở vùng sâu, vùng xa, chứ con lí do đã chọn hướng đi khác ngoài vào học ĐH là việc bình thường. Ngoài ra, bản thân nhiều thí sinh sau khi nhận được điểm thi tốt nghiệp đã tự lượng sức mình, không đăng ký nguyện vọng.

Theo phân tích của Hệ thống Giáo dục Hocmai, 30% số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học – sự chuyển biến tích cực về tư duy xã hội và cân bằng nguồn lực.

Chúng ta đối diện với sự mất cân bằng nhân lực, thừa thầy, thiếu thợ trong nhiều năm qua . Tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa nó đến từ việc học sinh chưa được định hướng và nhận thức đầy đủ, đúng đắn từ khi còn trên ghế nhà trường. Nguyên nhân hàng đầu của việc nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển chủ yếu đến từ nhận thức về kinh tế xã hội, về giá trị tấm bằng ĐH, về năng lực bản thân của phụ huynh, học sinh đã đúng đắn, thực tế hơn. Rất nhiều thí sinh đã chọn học cao đẳng, trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp, con số này những năm trước chỉ khoảng 10% tương đương khoảng 90.000 thí sinh.

Từ xưa đến nay dân tộc ta có truyền thống hiếu học, dù khó khăn đến đâu thì những bậc làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con mình được đỗ đạt thành tài. Tư tưởng đó, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Thế nên, con đường để bước vào học nghề để sau này làm thợ chỉ là phương án lựa chọn thứ yếu của các bậc phụ huynh và các em học sinh trong những năm qua. Nhưng giờ đây tư tưởng đó đã dần thay đổi. Câu chuyện về thế nào là thành công, giá trị hạnh phúc đã thực tế và đúng đắn, phù hợp hơn. Nó cho thấy công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông đang ngày càng hiệu quả, chắc chắn chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai tới đây với định hướng nghề nghiệp mạnh mẽ ở bậc THPT sẽ mang lại kết quả tốt hơn nữa.

Nguyên nhân nữa có thể kể đến như lượng học sinh du học có thể tăng sau thời gian dịch Covid-19. Con số này trước dịch Covid-19 khoảng hơn 20.000 thí sinh mỗi năm. Cùng với đó, học phí đại học tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến các em học sinh băn khoăn khi lựa chọn con đường của mình.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng đây lại là tín hiệu tích cực. Bởi điều này cho thấy các bạn trẻ đã có định hướng rõ ràng hơn tương lai của mình. Vào ĐH và có bằng ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Hiện nay, nhu cầu thợ lành nghề đang rất cao. Chính vì vậy, nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn hợp lý.

Bộ GD&ĐT thông báo lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển ĐH. Chi tiết thời gian cho thí sinh các tỉnh thành thanh toán như sau:

- Từ ngày 24/8 đến 17h ngày 29/8/2022: Thành phố Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng.

- Từ ngày 25/8 đến 17h ngày 30/8/2022: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.

- Từ ngày 26/8 đến 17h ngày 31/8/2022 dành cho các thí sinh thuộc các tỉnh/thành phố còn lại.

Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Để đảm bảo quyền lợi và không thí sinh nào không thực hiện được giao dịch thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường và có biện pháp phù hợp để phổ biến kịp thời nội dung văn bản này tới từng thí sinh trên địa bàn. Đồng thời, Bộ đề nghị các Sở chỉ đạo các trường THPT chủ động hỗ trợ thí sinh trong việc phổ biến, hướng dẫn về cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống, nhắc nhở thí sinh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thanh toán trực tuyến. Các Sở cũng chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp thí sinh không thể tự thực hiện, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

3,1 triệu nguyện vọng đăng ký vào Đại học
Thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học phải làm thế nào?
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động